xem phim hài 18+

Monday, 11 April 2011 Nguyễn Đạt

http://phannguyenartist.blogspot.com/

Nguyễn Đạt

Tên thật: Nguyễn Tiến Đạt

(1945 – ……) Vĩnh Yên

Nhà văn . Nhà thơ

                                                                                                                           

Dấu tay sau khi ăn sáng ở nhà chị Nguyệt Hồng 19.IV.2010

(Ấn bản do Trần Thị NgH thực hiện)

*

Học tiểu học ở Hà Nội. Di cư vào Nam năm 54. Đi lính VNCH từ 68 đến 75. Viết truyện ngắn từ năm 71.Từ năm 2000, viết cho nhật báo Người Việt (Mỹ).

Truyện ngắn trước 30/4 đăng trên các báo: Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn Đề, Văn, Tập San Văn Chương.

Sau 30/4/75 đã xuất bản

Nơi Giá Băng  

(thơ. nxb Hội nhà văn. 1991)

Kỷ Niệm Dã Quỳ 

 (tập truyện ngắn. nxb Trẻ. 1996)

Cơn Mộng Cẩm Giàng  

(tập truyện ngắn. nxb Trẻ )

Là tác giả khoảng hơn 100 bài thơ và  hơn 100 truyện ngắn.

Rất nhiều tác phẩm đã đăng báo internet Tiền Vệ (Úc), tuyển tập, tạp chí trong và ngoài nước.

Đơn cử vài truyện / tùy bút 

Trưa Rừng

Tôi không ngờ đẩy cái xe chở nước nặng hết sức. Con dốc, nhìn không ghê gớm bao nhiêu, lúc này nó ghê gớm khủng khiếp. Bà chủ quán nói: “Cám ơn ông”. Tôi không thể thấy gương mặt bà chủ quán khi bà cố tình tránh không để tôi nhìn. Nhưng tất nhiên tôi biết bà là một nhan sắc.

Hai chàng trai thì tôi chỉ mới thấy lần đầu, một chàng phục sức lôi thôi, chàng kia phục sức công tử con nhà giàu. Chàng phục sức công tử con nhà giàu nói: “Ông già còn gân dữ”.

Tôi duỗi đôi chân đau thấp khớp, lúc này đau mỏi gấp một ngàn lần. Ly cà phê sữa đá đặt trên mặt bàn. Tôi nhìn phía sau lưng bà chủ quán, nhớ một khoảng cách của gần hai mươi năm dĩ vãng, lưng em rắn chắc như thân cây ổi… Chàng phục sức công tử con nhà giàu lại nhìn qua tôi, nói: “Uống cà phê sữa đá cho khoẻ, bố già”.

Những trưa rừng cao như chưa bao giờ trông thấy. [1]  Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông. Liệu đã có ai đặt chân trên ngọn núi phía rất xa kia? Ông bỏ đi từng ấy năm, tôi nghĩ ông không nên trở lại đây làm gì nữa. Trở lại cùng ảo tưởng? Tất cả những gì ông nghĩ, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cả thằng bé nữa, nó cũng không thuộc về ông để ông nghĩ ngợi, hiểu theo bất cứ nghĩa nào…

Tôi không nên trở lại đây, đúng vậy. Ảo tưởng thì… Không chừng cả người nghĩ rằng mình không ảo tưởng, cũng có thể chỉ là ảo tưởng rằng mình không ảo tưởng. Không chừng ngọn núi phía rất xa kia cũng là ảo tưởng của kẻ phiêu lưu.

“Hồi sáng sớm tôi thấy ba cậu ăn điểm tâm trong tiệm mì bác Xá Xíu”.

“Ông già tớ về Sài Gòn ấy mà. Tớ sẽ xài cái Nokia mô-đen mới nhất, có cả chức năng chụp hình nữa. Ông già sẽ vào mua ở chỗ đại diện chính thức của hãng Nokia Nhật Bản”.

Nói xong, chàng công tử lấy ra trong túi quần cái điện thoại di động nhỏ xíu, mở ngó như cô gái soi gương, “Không có một miếng sóng”.

“Chỗ này núi rừng, không có sóng. Cái mô-đen mới nhất cũng vậy thôi. Mà dùng điện thoại để nói chuyện chứ cần gì chụp hình”.

Chàng công tử cười lớn tiếng, “Ông già tớ đề nghị vậy đấy chứ, không xài thì uổng”.

“Thì cậu là cục cưng mà. Cưng thì phải đi đôi với chiều. Chiều như chiều vong”.

Chàng công tử ngó bạn, cái nhìn tiếc rẻ, “Tớ mà đạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc như cậu, ông già tớ ấy à, lấy ngay một cái xế hộp cho tớ”.

“Tuổi bọn mình mà đi xe hơi làm gì?”

“Cậu giỏi văn, nhưng ngố thấy mẹ. Tuổi nào mà không biết hưởng thụ. Cơm dâng tận miệng mà chê, chỉ là thằng ngố”.

“Cái cậu nói không phải là cơm. Mà cậu sao không bao giờ chịu hiểu ai khác, kể cả thằng ngố? Khi cậu chịu tìm hiểu thằng ngố, cậu sẽ thấy nó không ngố đâu”.

Chàng công tử lại cười lớn tiếng, “Tớ hiểu chứ, tớ rất hiểu bạn mình, bạn mình nghèo đành phải an phận, phải học cho giỏi để thoát kiếp nghèo”.

Tôi có cảm tưởng chàng công tử sắp ăn quả đấm của bạn, nhưng chỉ có cái nhìn ngao ngán của chàng trai phục sức lôi thôi.

Tôi cũng ngao ngán hết sức. Cái ông nào mà là cha của chàng công tử, hiển nhiên giàu có và xuẩn ngốc.

“Ông già cậu, tớ nghe nói là nhà văn, đúng không?”.

Chàng trai phục sức lôi thôi lắc đầu, “Ba tôi thỉnh thoảng có dịch sách chứ không phải nhà văn. Nói chung thì ba tôi làm nghề tự do, nghĩa là làm bất cứ công việc gì, khi không có ai đặt dịch sách”.

“À, tớ có thấy ông già cậu một lần, ở hiệu sách. Trông ông già cậu bụi bụi, giống bố già bên kia. Tớ có thấy mấy ông nhà văn, nhà thơ, trông đều bụi bụi như vậy. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghèo đều ở chung một nhà”.

Chàng trai phục sức lôi thôi không nói gì, cái nhìn mênh mông hướng về phía rừng thông ngút ngàn.

Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:

“Cả nhà báo nữa, tớ quên mất. Nhà văn, nhà báo song sinh chứ gì. À, hỏi cậu: cái nhà ở cũng như quần áo mặc chứ gì. Thế có phải là y phục xứng kỳ đức không?”

“Đúng mà cũng không đúng. Có thể mấy ông ấy thích phục sức như vậy mà thôi, còn chẳng phải ý nghĩa câu đó phải hiểu như vậy”.

“Cậu nói khó hiểu quá. Nghèo thì ăn mặc xuềnh xoàng, giàu thì áo quần bảnh bao, chẳng phải đúng là y phục xứng kỳ đức à?”

“Tất nhiên là không phải. Cậu cũng không rành nữa: nhà văn, nhà thơ có thể nghèo, nhưng nhà báo không nghèo đâu. Với lại, nhà văn, nhà thơ là nghiệp, họ vẫn có thể có nghề khác trong việc mưu sinh. Nghề và nghiệp không chỉ là từ kép đâu. Nghĩa là cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ không nghèo tí nào cả. Mà sao cậu cứ đèo queo cái vụ giàu nghèo vậy?”

Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:

“Chứ còn gì khác ở đời này: người giàu và kẻ nghèo. Danh phận và số kiếp, cũng quy ra có vậy mà thôi”.

“Vậy thì, ta hình dung thế này cho có ấn tượng: Người giàu ở thế cúi xuống, bắt tay ban phúc cho kẻ nghèo ở thế ngước lên. Vì thế tôi sẽ mỏi cổ để gặp cậu”.

Chàng công tử vẫn lại cười lớn tiếng, và nói:

“Không dám đâu, vì tớ nể cậu. Dĩ nhiên tớ nể cậu vì cậu học giỏi, và dĩ nhiên cậu sẽ đứng vào hàng ngũ người giàu”.

“Cho tôi thêm vào: người giàu cũng học giỏi!”

Có tiếng bà chủ quán gọi một trong hai chàng trai:

“Hưng ơi, mẹ nhờ một tí này”.

Tôi xin thú nhận, vô cùng hồi hộp.

Chào bà chủ quán, tôi nói:

“Bà nói đúng, tôi không nên trở lại đây làm gì nữa. Ấy tuy nhiên chỉ đúng vào đúng lúc này, lúc tôi đã gặp thằng Hưng. Nghĩa là, ảo tưởng cuối cùng của tôi vừa rớt xuống”.

Ngọn núi phía rất xa kia hiển nhiên có thật, như chàng trai phục sức lôi thôi đang uống cà phê ở quán trên đồi. Tôi muốn gặp hai cha con chàng trai, ngồi uống cà phê hay rượu hay bất cứ gì đấy, trên ngọn đồi này, nhìn ngọn núi phía rất xa kia. Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông, sao quá đẹp như một nỗi buồn không gì có thể an ủi.

11-9-2004

[1] Thơ Nguyễn Đức Sơn.

Tưởng niệm ông Trần Khoát, Vĩnh Long, 2009.

Một chuyện hoang đường có thật

Ngôi nhà cổ, đồ đạc trong nhà cũng vậy, những đồ gỗ đều là thứ danh mộc lên nước bóng ngời. Ngôi nhà ông K. đã bán, chủ mới chưa về ở. Tôi nói: “Cái tủ này kiểu dáng đẹp quá, bây giờ chắc chắn không còn ông thợ mộc nào làm được… cái bàn kia cũng là thứ hiếm có…” Ông K. quơ tay một vòng: “Tôi bán lại tất cả cho người chủ mới… Cậu nói rẻ quá hả? Mà tôi giữ lại làm gì những thứ này nữa, người ta mua hết cho tôi là may. Tôi chỉ cần một cái giường, một cái bàn, một cái ghế… về Sài Gòn mua thiếu gì.” Tôi hình dung căn phòng ông K. trong một chúng cư tại Sài Gòn. Căn phòng đó, cái giường, cái bàn, cái ghế…, hẳn sẽ giống bức hoạ căn phòng của Van Gogh, trong cuốn sách hội hoạ hình như ghi tên bức tranh đó là “Chambre à coucher”. Ông K. sẽ ở trong căn phòng đó để ngủ, để sống, hay để tự vẫn không chừng.

Buổi tối, thị xã lần đầu đặt chân tới, tôi đi một mình ra quán bờ sông không xa ngôi nhà cổ của ông K., uống cà phê. Ngồi xuống chiếc ghế ở quán, tôi đổi ý, nói cô gái chạy bàn mặc váy ngắn ngủn mang ra một chai rượu vang. Thật sự lúc đó là buổi chiều, khi tôi để ý thì đã tối, hoà vào dòng sông sẫm màu. Đèn quán mờ mờ, tiếng nói chuyện xa xôi. Chỉ là cảm giác của tôi, hay đúng một người nào đấy vừa khoắng tay dưới nước, hay một con cá nào đấy quẫy đuôi, vùng vẫy… Có lẽ vì ly rượu vang đã loãng nhạt, đã gần hết chất rượu màu đỏ sậm, chỉ còn nước ở cục đá tan ra. Tiếng hát từ cái máy phát thanh trong quán: Tôi ngu ngơ trồng cây cuối góc phố ôm mộng mơ… cùng lúc lời ca trong đầu tôi: Ngày rời Paris anh đã để quên con tim… Không hiểu tại sao lời ca đó lại dấy lên trong đầu tôi vào lúc này, có con tim để quên ở kinh thành hoa lệ, và người đàn bà Paris với tấm khăn choàng?

Ngày rời Paris…, tôi mở bàn tay úp vòng quanh ly rượu. Tôi mở bàn tay ra, úp bàn tay lại… Khách khứa mỗi lúc mỗi nhốn nháo hơn. Các thứ chung quanh lơ lửng dật dờ trôi dạt, giống tình trạng mất trọng lượng trong không gian. Rồi tất cả những thứ ấy lại lẩn quẩn, lòng vòng giữa những cô gái váy ngắn ngủn ở đâu túa ra thật đông, những chân cẳng da thịt phơi lộ đầy khắp… Hình như tôi đã đứng dậy, lảo đảo tại chỗ, vướng víu những cái ghế ngồi… Hình như sau đó tôi ngã đổ xuống.

Tôi tỉnh thức trên nền đất ẩm ướt. Có tiếng nói: “Chú ấy tới quán lần đầu mà… Chú ấy ngồi im một chỗ chớ có gây chuyện, làm rộn chi đâu…” Tôi không thể biết mình nằm trên nền đất ẩm ướt bao lâu, cuối cùng tôi cũng đứng dậy được, cố định hướng trở về ngôi nhà của người bạn vong niên. Tôi nhận thấy rõ rệt tôi đã tỉnh thức, hai bàn tay tôi xoa vào nhau cho sạch đất cát, đưa hai bàn tay đã sạch đất cát lên phủi rác rến gì đấy dính trên mặt…

Trở về ngôi nhà cổ, không thấy ông K., tôi vội đi ra phía sau. Sáng sớm lúc trở dậy rửa mặt, tôi đã biết có vại nước ở chỗ đó. Tôi vốc nước lên mặt, thấy buốt rát. Vào nhà, ông K. nhìn tôi, kêu lên: “Cậu té ở đâu hả? Máu còn chảy ở sống mũi cậu kìa!”

Dưới mái hiên, những khoảng ánh sáng chia cắt. Ông K. ngồi sững trên chiếc ghế bành, thân thể gầy guộc, ông là bức tượng gỗ cứng queo, một vị tu hành khắc khổ ngồi kiết già, giống hệt bức tượng tôi thấy ở đâu đó, trong một ngôi chùa hay trong một quyển sách. Ông vụt đứng dậy như cái lò xo bị gấp vừa bung ra, đi vào trong, tiếng nói vọng trở lại: “Tôi giăng mùng sẵn, lúc nào buồn ngủ thì vào ngủ nhé, cậu Đăng.” Ông K. không ra ngồi ngoài hiên nữa, đèn sáng trắng trong nhà phụt tắt. Lúc này những khoảng ánh sáng chia cắt ngoài hiên nhập vào nhau, lẫn trong bóng tối nhờ nhờ. Gió sông lùa tới từng đợt, tiếng động ì ầm xa xôi, đom đóm tắt hiện, những đốm sáng thất lạc tứ tán. H, bây giờ chắc là rạng sáng, vừa thức giấc ở Oakland, một nơi phía bắc của một tiểu bang Hoa Kỳ hầu như người Việt Nam nào cũng nghe tên. Ngọc-là-châu-là-khuôn-mặt-hiện, người phụ nữ đơn độc kiêu hãnh bình thản bình tâm chuẩn bị đi làm, ở một chỗ dưới bầu trời dội âm miên viễn những khúc nhạc đồng quê? Những hình bóng thân thuộc, xa lạ, tôi không biết tại sao nỗi nhớ tha thiết điên cuồng, và một nỗi tuyệt vọng dấy lên cùng cơn ngầy ngật của men rượu vang ngọt nồng ngấm say, kéo giấc buồn ngủ. Tôi buồn ngủ, tôi buồn nôn.

Định trở lại Sài Gòn, ông K. níu giữ tôi ở lại với ông trong ngôi nhà cũ, “Mai về cùng tôi luôn thể. Trên đường về bọn mình sẽ ghé Nha Mân. Phụ nữ Nha Mân đẹp nổi tiếng, mọi người đã từ khuya thừa nhận như vậy đấy. Tôi sẽ giới thiệu với cậu người phụ nữ mới của đời tôi, người đẹp Nha Mân…” Ông bật cười rộ, nói thêm: “Tôi đổi đời mà, đổi toàn bộ cuộc đời, từ nơi ăn chốn ở tới người chăm sóc trái tim cô đơn… Tôi-không-còn-cô-độc.” Tôi lại nhớ lời ca Ngày-rời-Paris-anh-đã-để-quên-con-tim… chẳng quan hệ gì tới cuộc đời tôi.

Cả ngày hôm sau, ngày thứ hai tôi ở lại thị xã, ông K. chẳng ra khỏi ngôi nhà cổ. Có lẽ ông K. cố nán lại đây để hít thở tới đáy tim phổi không khí ông đã sống bao nhiêu năm tháng với người vợ và đứa con bây giờ ở một phương xa, tận cùng hơi thở với nơi chốn ông sắp từ giã vĩnh viễn. Buổi chiều tôi lại một mình đi ra quán nước bờ sông. Hai, ba cô gái trong quán ùa tới, nói với vẻ nghiêm trọng: “Chú đừng ngồi ở đây nữa. Thằng cha bữa tối qua hành hung chú nói tối nay mà còn gặp chú là sẽ thanh toán chú đó. Thằng chả làm thiệt đó, biểu sẽ xin chú tí huyết, tụi con nói hoài cũng hổng được…” “Thằng cha” nào đó tôi không hề biết, đã hành hung tôi như thế nào, vì sao hành hung tôi cũng không biết. Nhưng như vậy tất nhiên tôi không thể ngồi ở quán này nữa. Tôi tiếp tục đi, ngơ ngác tìm một chỗ ngồi ở một quán nào cũng được, và sẽ uống một ly cà phê chẳng hạn. Rượu vang, cơn say ngấm ngầm đã làm tôi ngán sợ. Tôi chợt nhận ra một điều gì đấy chính tôi không rõ, đã khiến tôi tự động tìm một quán không ồn ào, không có những chiếc váy ngắn ngủn của các cô gái chạy bàn…

Khi tôi trở lại ngôi nhà cổ, cửa nẻo đã đóng chặt ở phía trong, đèn tắt tối om. Tôi gọi, không nghe tiếng ông K. trả lời. Tôi gõ cửa, rồi đập mạnh nắm tay, rồi chân đi giày đá vào cánh cửa gỗ, những thớ gỗ đặc cứng, câm nín vô vọng. Tôi đành ra ngoài thị xã, tìm một nhà trọ ngủ qua đêm.

Tôi không còn cách nào khác để đoán biết vụ việc gì xảy ra với ông K. trong ngôi nhà cổ, ngoài việc phải tin rằng ông đã chết trong đó. Thoáng ý nghĩ ông K. tự vẫn, nhưng tôi không thể tin điều ấy xảy ra được, một người vừa nói chuyện vui vẻ bình thường, nói chuyện tương lai, đột ngột tự kết liễu đời mình. Ông còn hẹn sẽ giới thiệu với tôi người đẹp Nha Mân của ông nữa. Hay ông K. bị đột tử, bị nhồi máu cơ tim chẳng hạn? Điều này cũng rất mong manh, ông K. gầy ốm nhưng tôi thấy rõ ông có sức khỏe, không từng bị bệnh tim mạch gì hết.

Suốt đêm tôi không thể ngủ, có lúc bực bội vì cả hai chúng tôi đều không dùng điện thoại di động, trong ngôi nhà ấy cũng không có điện thoại bàn. Mờ sáng tôi vội vàng trở lại, lấy thanh sắt nạy bung cánh cửa sổ của ngôi nhà. Hình dáng mờ mờ của ông K. dần rõ nét, lơ lửng giữa khoảng không gian phía tay trái, gần bên cái bàn tôi đã thốt lời khen đẹp hiếm có lúc trưa hôm qua, khi vừa yên vị trong ngôi nhà cổ ông K. đã bán, chủ mới chưa tới ở.

V.2010

Chút ít sự thật của…

H nói: “Thỉnh thoảng ông Sơn Núi có gọi điện thoại…”. Tôi hỏi ông Sơn núi về H, nhưng gợi ý nói về H là ông: “Gớm quá, đồng bóng gớm quá!”. Tôi hỏi H: “Thế ông Sơn Núi điện thoại nói gì với em?”. “Thì hỏi thăm này nọ… Nhưng lâu nay không thấy gọi nữa… Lần cuối, ông ấy toàn nói bậy bạ, em cúp máy không nghe”. Tôi nói với H, như vậy người ta gọi là quấy rối tình dục…

Nhà sư Chăm có ý định trọng đại và nghiêm chỉnh, ông ta tự nhận xét, một công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu: Sơn Núi. Dĩ nhiên Sơn Núi là hỗn danh nhà thơ đặt cho mình. Tôi tự nhiên mến nhà sư Chăm, muốn cung cấp cho ông ta vài điều tôi biết về ông Sơn Núi, hóa ra nhà sư Chăm biết cả rồi, ví dụ như…

Cuối năm, ông Sơn Núi về Sài Gòn liên tục. Đi và về, lên và xuống, bằng chiếc xe gắn máy trông như một cục đồ chơi gồ ghề thô kệch của con nít, ông Sơn Núi đặt tên cho nó là Monkey. Tôi thấy cái tên ông Sơn Núi đặt cho chiếc xe, đặt cho chính ông thích hợp hơn: Ông giống con khỉ già thông thái tinh ranh.

Ông, trước mắt nhìn của công chúng: Một người đàn ông trọng tuổi, làm ăn sinh sống ở vùng núi, làm rẫy chẳng hạn. Đặc biệt, ông làm rẫy thường ghé các chùa chiền, ở đó như một ác tăng chuyên việc truy hỏi để phụng hiến mục đích cao cả là khu trừ những kẻ tà đạo ẩn náu trong hình dạng của bậc tu hành chân chính.

Đặc biệt khi ghé chùa Già Lam, ông phải gặp bằng được thượng tọa Tuệ Sỹ để khẳng định nghi vấn hành trạng của nữ họa sĩ D.TH. thuộc trường phái thấy sao vẽ vậy, sau khi phát biểu một cách khinh miệt thích đáng về trường phái hội họa này, ông nói thì thầm vừa đủ cho mọi người nghe, tất nhiên bao gồm thượng tọa Tuệ Sỹ: “Nương này là kẻ tà đạo, đang âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ về phía đạo giáo Tin Lành của nương”. Hẳn ông Sơn Núi không hài lòng khi thầy Tuệ Sỹ chỉ lắc đầu và cười, bảo: “Bậy nào, ông căn cứ vào đâu mà nói vậy?”. Ông Sơn Núi chẳng căn cứ vào đâu hết, ngoại trừ việc nữ họa sĩ D.TH. theo gia đình mà theo đạo Tin Lành. Nên ông Sơn Núi, khi bước xuống những bậc cấp cuối hành lang để rời chùa Già Lam, nói một cách chán nản, dĩ nhiên là nói với tôi, kẻ đồng hành: “Mấy đệ tử của Tuệ Sỹ, như H, D.TH., không khá được”. Tôi chẳng nói gì, nghĩ: Nếu biết mối quan hệ giữa H và tôi, hẳn ông Sơn Núi còn tăng gia chửi rủa H.

Ông Sơn Núi hay rủ tôi ghé nhà một người bạn trẻ tuổi, Nguyễn Thiên Chương. Rất đáng mến, Nguyễn Thiên Chương trầm tư, sâu sắc, đãng tử, viết rất đẹp thứ chữ mà một triệu người ở xứ sở văn hóa gầy còm Việt Nam này gọi là “thư pháp”, nhưng Nguyễn Thiên Chương không thấy đó là cái quái gì. Nguyễn Thiên Chương ra kiểu dáng cho thợ làm ngôi nhà ở khá đẹp, một biệt thử nhỏ, đơn giản, khác lạ hẳn những nhà chung quanh. Tôi nhìn những bậc thang gỗ dẫn lên căn gác thấp gần mái, hình dung căn gác dễ cảm, cùng lúc nhớ lời ông Sơn Núi nói về người bạn trẻ : “Ông Sơn Núi bảo rất thích Chương, một người Quảng Nam duy nhứt không ưa tranh luận, bàn cãi tào lao”. Người bạn trẻ giọng nhẹ nhàng: “Anh ấy thích căn gác nhà em thôi”.

Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?”. “Ừ, bạn học cũ thời trung học. Mà sao ông biết?”. “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu[1]  vợ cũ của ông tướng râu kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang”. “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi”. Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy”. Ông Sơn Núi cười thích thú một chặp: “Cộng với cặc lõ nữa chứ!”.

Ở nhà Nguyễn Thiên Chương về nhà Hồ Hữu Thủ, họa sĩ có ngôi nhà lớn rộng, nhiều phòng ốc, dành riêng một phòng cho ông Sơn Núi mỗi khi ông từ Phương Bối Am xuống Sài Gòn. Nhà sư Chăm tìm gặp ông Sơn Núi ở đây, hẳn để chuẩn bị đầy đủ cho công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu. Ông ta rủ ông Sơn Núi và tôi tới thăm ngôi chùa của ông ta ở vùng thác Trị An, nghĩa là cứ đi về phía thị trấn Trảng Bom.

Đường đi về phía thị trấn Trảng Bom, ông Sơn Núi và tôi rất quen thuộc, nằm trên quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi trên chiếc xe gắn máy hiệu Honda, không tiếp tục đi trên quốc lộ rộng rãi bằng phẳng, ông ta rẽ vào một con đường, đi sâu mãi, xe tôi phải chạy theo phía sau. Nhà sư Chăm phóng xe nhanh, cứ băng băng hết con đường lạ hoắc này tới con đường lạ hoắc khác, đường rất xấu, xe hiệu Simson bánh nhỏ, hình dáng giống xe scooter của tôi chạy theo khó khăn, bánh xe trệu trạo trên những con đường lồi lõm đất trũng gò, hoặc mặt nhựa thì loang lổ. Ông Sơn Núi thỉnh thoảng quay lại ngó chừng tôi chạy phía sau.

Đến vùng đất rộng trống, đường ray tàu lửa nổi lên giữa cây cỏ dại, rác rưởi lẫn lộn. Giữa khoảng trống trải, tôi nhìn trọn chuyến tàu chạy qua. Ông Sơn Núi nói: “Ngó những chuyến tàu đi, bao giờ cũng cảm động”. Tôi nhìn ông Sơn Núi và nghĩ, thôi cũng được, cái việc cứ tìm mà đi những đường xa xôi trắc trở của nhà sư Chăm, cuối cùng được thấy trọn vẹn chuyến tàu, cũng là an ủi. Chúng tôi lại ra quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm ít nói, thỉnh thoảng nói lại nói hơi nhiều, nụ cười tự tin, hơi kiêu ngạo mà hồn nhiên.

Sau một hồi chạy trên quốc lộ 1 A về phía thị trấn Trảng Bom, còn cách thị trấn Trảng Bom khoảng mười cây số, ông ta quẹo xe sang phía tay trái, chạy vào con đường chẳng biết dẫn tới đâu. Ông Sơn Núi hỏi nhà sư Chăm: “Ông đưa bọn tôi đi vào con đường thủ tiêu đấy hả?”. Nhà sư Chăm cười lớn tiếng. Tôi không thể nhìn thấy ông ta cười, chỉ nghe tiếng cười mà thôi, vẫn tự tin, hơi kiêu ngạo, và ma quái nữa.

Nhà sư Chăm phóng xe thật nhanh, tôi chạy phía sau cố bám theo, con đường dài ngút giữa những rừng cây cỏ dại, lũng vực. Nhà cửa lác đác thoáng hiện, bặt vắng. Tôi nghĩ, hẳn nơi đến còn xa nữa, nhà sư Chăm phải tiếp tục phóng xe thật nhanh để kịp tới lúc trời còn sáng. Nơi tới đó ông Sơn Núi nói là một “Ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm”, như thể ông đã từng tới đó, nhà sư Chăm nói ra tôi mới biết là ông Sơn Núi chưa tới đó lần nào.

Con đường vẫn chạy miết về phía chân trời, bóng chiều sẫm xuống. Một con dốc cao đột ngột. Tôi cố theo sát nhà sư Chăm và ông Sơn Núi. Xuống dốc, con dốc chúi hút chiếc xe Simson bánh nhỏ, giống xe scooter của tôi lao vùn vụt, băng qua những tảng đất sét trơn láng từ đâu rải đầy ở cuối dốc, mưa lúc nào đó nơi này. Chiếc xe vượt khỏi sự kiểm soát của tôi, cứ thế lao xuống mỗi lúc một nhanh, nhưng vẫn cách khoảng xa chiếc xe của nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi. Cầm chắc té xe giữa con lộ, tôi vội lái sang một phía, tất nhiên phía trái ven đường. Chiếc xe và tôi đâm sầm vào rào cản bằng xi-măng cốt sắt ngăn chặn phía trên một vực sâu. Chóa đèn xe vỡ nát. Vai, ngực tôi đau điếng. Tôi không kêu nổi một tiếng để báo hiệu cho nhà sư Chăm dừng xe. Tôi ngồi bất động, nhìn chiếc xe chở hai người mất dạng trên con đường đang tối dần.

Chỉ còn một nước trở lui, may là chiếc xe còn nổ máy để chạy, tôi quay xe lại, chạy tới con dốc, ngay dưới chân dốc có một lều quán giải khát. Tôi rất đau mệt, khát nước và thèm hút thuốc lá, và cầu âu nhà sư Chăm , ông Sơn Núi quay lại tìm tôi.

Người đàn bà mang tới các thứ tôi gọi, nụ cười hiền hòa trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn máng dài: “Anh cứ ngồi nghỉ ở đây, thế nào các bạn cũng trở lại kiếm mà”. Tôi cười gượng gạo, vì tôi tuyệt vọng về chuyện các bạn trở lại kiếm. Lúc nãy, tôi ngồi bất động ít gì cũng nửa tiếng đồng hồ.

Có lẽ tôi đã ngồi tại lều quán lâu gấp đôi lúc nãy. Người đàn bà nói: “Tệ thật đấy, bạn bè đi chung mà lại bỏ mặc giữa đường… thế người ta bị lao xe xuống vực thì sao?… ở đây tôi đã thấy xảy ra nhiều vụ xe lao xuống vực”.

Vài ngày sau, ông Sơn Núi lại có mặt ở Sài Gòn. Ông lại tới chùa Già Lam, nói chuyện nữ họa sĩ D.TH. âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ vào đạo Tin Lành. Ông lại tới H, nói chuyện ăn chay trường vì lẽ công bằng của trời đất. Ông về nhà Hồ Hữu Thủ nói về dự định viết thơ lên những chiếc bình, những chiếc ấm, chén trà, nói chung là viết những bài thơ không tiền khoáng hậu lên đồ gốm. Và ở đâu, nếu cao hứng, hay vì mối thiện cảm với dân tộc Chiêm Thành hờn vong quốc, ông cũng nói về ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm mà ông đã có dịp tới thăm từ lâu, hình như từ mùa hè năm…, cùng đi với một nữ tu người Tây Tạng.

Sài Gòn, 23-6-2004

[1] ông Sơn Núi gọi “con mụ” là “con mu”.

Nhắc, nhớ vân vân…

Đọc lại một bài đã viết, nhan đề bài viết từ chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn tiền chiến Nguyễn Tuân. Liền sau, lại đọc vẩn vơ một cuốn sách đã đọc không vẩn vơ, rồi nổi hứng viết lại bài của chính mình đã viết. Thoạt đầu chả hiểu tại sao nổi hứng như vậy. Sau đó biết ngay, nổi hứng như vậy, vì ưa trích vào bài viết lại đoạn viết này, ở cuốn sách đọc lại một cách vẩn vơ: Nguyễn Tuân, ngày xưa, đã bao nhiêu lần đòi giết cố nhân mà có giết được đâu? Mãi đến già, sau mấy chục năm theo Đảng và bao nhiêu lần “cải tạo tư tưởng”, ông vẫn cứ là ông. Cái chàng Nguyễn tài hoa và kiêu bạc thuở nào vẫn cứ lấp ló đâu đó sau từng trang viết của ông. (Nguyễn Hưng Quốc, Thơ Con Cóc và những vấn đề khác).

Mấy ngày người dân cả nước được nghỉ lễ: ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 8 tháng 3 Âm lịch), ngày Quốc tế lao động 1-5, và dĩ nhiên, ngày kỷ niệm 32 năm “giải phóng” của nhà nước cộng sản. Dịp này bạn bè chúng tôi nhàn đàm về Sài Gòn sau “giải phóng”. Nhiều điều để nói, mà điều này chúng tôi bảo rất nên nói tới: tên gọi của thành phố chúng ta. Mà hình như đã nhiều người nói tới rồi: tên khai sinh của thành phố đã được gần 300 tuổi, tính tới 30-4-1975, đã bị nhà nước áp đặt tên gọi khác, là thành phố mang tên “bác”! Tuy nhiên, hiển nhiên người dân ngày càng chỉ cần biết và chỉ gọi tên khai sinh của thành phố. Sài Gòn ngày càng xác định tên mình là Sài Gòn. Và nhiều lắm, ý chí quyết tâm lắm, nhà nước cũng chỉ được xem cái tên mình áp đặt là tên gọi hành chánh, tên gọi trên giấy tờ nhà nước cấp phát cho dân. Có bạn nói: nhà nước này thật tức cười, mang tên “Việt Nam đẹp nhất có tên…” để đặt cho “thành phố mông muội” “thành phố tàn dư của Mỹ Ngụy”. Nếu “bác” mà biết, chắc “bác” không thể nằm yên trong lăng tẩm mà các con cháu “bác” đã đặt định, xây dựng cho mình.

Chúng tôi đang nhàn đàm như vậy, điện thoại di động của tôi reo. “Anh ơi, chiều hôm qua em kiểm soát kho đồ cổ của em, tìm thấy chiếc lư đồng mắt cua. Em để dành tặng anh đấy.” Điện thoại của người em bà con bên vợ tôi, anh ta buôn bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều. Đường Lê Công Kiều là con đường nhỏ, chạy dài suốt phía ngang hông Bệnh Viện Sài Gòn. Gần như hầu hết các nhà phố ở đường Lê Công kiều buôn bán đồ cổ, bao gồm đồ cổ thứ thiệt và đồ giả cổ, đồ cổ dỏm. Và phần lớn sở hữu chủ của các gian hàng buôn bán đồ cổ như vậy, là những người miền Bắc “có máu mặt”, vào Sài Gòn sau “giải phóng”. Gian hàng buôn bán đồ cổ của người em bà con bên vợ tôi rất khiêm nhường bên cạnh những gian hàng của những người miền Bắc ấy. Mà người Sài Gòn có một gian hàng như vậy sau khi “Sài Gòn giải phóng” cũng là đỡ lắm rồi, cũng là người Sài Gòn “có máu mặt”.

Tôi mừng rỡ vì món quà tặng của người thân, buôn bán đồ cổ. Chiếc lư đồng mắt cua có lẽ chỉ có giá trị với những người như tôi, những người biết nó gắn liền với một tác phẩm của một nhà văn tài danh thời tiền chiến: Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân. Chính Nguyễn Tuân cũng chỉ quý chiếc lư đồng mắt cua, vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu – qua lời một người bạn của Nguyễn Tuân – là một nhà nho rất hay, biết rất nhiều điều bí ẩn kỳ quái trong suốt một khoảng giao thời. Nhà văn quý chiếc lư đồng mắt cua lại cũng không chỉ vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông, mà còn ở chỗ, ông Thông Phu cho biết nó từng có một lịch sử bí mật, y như chuyện “Gương vỡ lại lành” trong tích cũ.

Chiếc lư đồng mắt cua không phải là một cuốn phóng sự về nhà hát ả đào, cũng không phải là cuốn nhật ký, mà là một tác phẩm tuỳ bút về tâm trạng tác giả (Nguyễn Tuân) trong những ngày sống ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu, một ông “Trước khi đứng làm chủ nhà hát ông Thông Phu là một người có danh phận lương thiện của một xã hội trưởng giả trung lưu đương thời của chúng ta. Ông cũng là một người viên chức chính ngạch nhà nước, ở một cái tỉnh nhỏ Trung Kỳ, cách đây hai chục năm, khi mà người ta làm việc ở toà Sứ, với một cái chức thông ngôn có chất máu giang hồ tài tử ấy ở trong huyết quản đã là một người thiếu lương tâm nhà nghề đối với phận sự nơi buồng giấy.” (Nguyễn Tuân, Chiếc lư đồng mắt cua).

Chiếc lư đồng mắt cua mà ông Thông Phu tặng Nguyễn Tuân, như lời ông viết trong tác phẩm cùng tên, cũng giống như “Để nhớ lại một chuyến đi, Nguyễn (Nguyễn Tuân) đặt tên con gái là Hương Cảng” (Tuỳ bút Mơ Hương Cảng, của Vũ Khắc Khoan.)

Nhà văn, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, định cư ở Hoa Kỳ, đã mất, trong tuỳ bút Mơ Hương Cảng, đã viết về Nguyễn Tuân: “…Nguyễn có một cuộc sống ồ ạt, một cá tính rất sắc cạnh và tất nhiên rất quyến rũ. Không những thế Nguyễn lại viết. Nghĩa là lấy ngay cái ồ ạt của cuộc sống bừa bãi của mình làm đối tượng cho sự suy nghĩ để rồi, từng chữ, từng câu… giải rộng và dài những cơn tâm sự lên trên giấy trắng. Cũng vì thế mà ảnh hưởng của Nguyễn đã in hằn lên nhiều người chung quanh. Ở đây, thỉnh thoảng những người quen Nguyễn thường vẫn gặp lại, ngùi ngùi nhận ra đây đó một vài cử chỉ, một vài lối nói, nét cười, cách viết của một con người không những đã sống để viết, nhưng lại luôn luôn rất băn khoăn về cuộc sống và ý nghĩa của việt cầm bút…”

Chiếc lư đồng mắt cua mà người em bà con bên vợ tôi vừa tặng tôi, theo nhận xét của anh ta, được chế tác vào khoảng thời gian các vị vua đầu nhà Nguyễn, dùng để đốt trầm. Hiện nay, một số rất ít các “mệ” ở xứ Thần Kinh (Huế) còn lưu giữ. Tôi đọc lại tác phẩm tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, qua những dòng chữ mô tả chiếc lư đồng mắt cua của ông Thông Phu tặng nhà văn, rất giống chiếc lư đồng mắt cua tôi đang có: “…một chiếc lư đồng. Đồng mắt cua. Nhỏ thôi. Đường kính rộng nhất nơi thân lư cũng chỉ bằng cái đường kính mặt tẩu Vân Nam da đá… chiếc lư đồng mắt cua nhỏ bé ấy giá có đem phát mại đi, gặp những người ưa chuộng thì hời giá lắm cũng chỉ được vài đồng bạc là cùng.” Nhà văn Nguyễn Tuân trân quý giữ nó, như đã nói ở trên, lúc ấy nhà văn để chiếc lư đồng mắt cua trên bàn viết, đựng kim găm và dùng luôn làm vật chặn giấy cho gió khỏi lật ngửa những trang chữ ướt. Tôi dùng chiếc lư đồng mắt cua vừa được tặng mấy hôm nay, đựng tàn thuốc lá cho gió khỏi thổi tàn bay rải ra ngoài. Chiếc lư nhỏ đựng tàn thuốc lá rất tiện, tôi xách nó theo bên mình mỗi khi di chuyển chỗ ngồi hút thuốc, nó có hai quai xách cũng bằng đồng mắt cua, như quai xách của chiếc ấm tích pha trà.

Ngắm nghía chiếc lư đồng mắt cua, tôi chợt tiếc đã không hỏi Nguyễn Tuân, rằng nhà văn còn giữ chiếc lư đồng mắt cua do ông Thông Phu tặng thuở xưa? Vài tháng sau 30-4-1975, tôi gặp nhà văn Nguyễn Tuân trong một bữa uống rượu ở quán cà phê Tùng, Đà Lạt. Lần đó, ông Tùng, chủ quán, đã mất vài năm nay, trân trọng mời nhà văn Nguyễn Tuân uống rượu. Ông Tùng mang chai rượu Courvoisier mà ông cố giữ lại sau “giải phóng”, dành để mời nhà văn tài danh mà ông nghe tiếng, quý trọng từ lâu. Đó cũng là dịp may của tôi, được gặp tác giả Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua… Tôi không thể nhớ rõ sau ba mươi hai năm, tôi đã nói, hỏi được chuyện gì nhà văn tài danh độc đáo ấy, nhưng nhớ mãi câu ông hỏi tôi, thật lạ lùng để hôm nay nhớ lại: “Cậu có bà con họ hàng gì với ông Vũ Khắc Khoan hay không? Nom cậu khá giống ông ấy.”

Tôi tiếc vì nhớ lần duy nhất gặp nhà văn Nguyễn Tuân, tôi chưa từng hỏi về chiếc lư đồng mắt cua của ông. Nếu ông còn giữ được lúc còn sống, thì cũng không lấy gì làm chắc chắn rằng sau khi ông mất, đã nhiều năm, nó không có cuộc phiêu lưu nào. Biết đâu nó chính là hiện thân chiếc lư đồng mắt cua tôi đang giữ. Dù sao, ít nhất, nó cũng được ra đời cùng anh em nó, chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn vang bóng một thời.

Thuở Vi Diệu ngắn ngủi

Ngay sau Sài Gòn Giải Phóng (giải phóng cái gì?) tôi lấy vợ, cô Lệ, em cô Hạnh, bạn gái vớ vẩn của tôi. Trước lúc “được giải phóng”, là những ngày Sài Gòn hoảng loạn, sôi sục chuyện ở, đi. Nhà thơ Tô Thùy Yên, trong quân đội là thiếu tá trưởng phòng văn nghệ, cục tâm lý chiến, “sếp” của tôi. Ông nói ngang tàng, phẫn nộ: “Việt cộng mà nó chiếm được Sài Gòn, tôi thà đi công trường chớ không tháo chạy như lũ hèn hạ.” Tôi, thành thật như một nhà thơ: “Tôi cũng ở lại, nhưng tôi không sống ở Sài Gòn. Tôi đi vào rừng.” Tôi đi vào rừng thật, lên Đơn Dương, vào rừng Tutr’a. Tôi từng biết vùng rừng này, quen một người bỏ Đà Lạt vào sống tại buôn Thượng. Buổi chiều, trên thềm tối của căn nhà người quen ấy, tôi ấp úng, nói cà lăm, trả lời mấy ông giải phóng về lý lịch nhân thân. Ngay sáng hôm sau, tôi trở lại Sài Gòn. Chính thời gian này, đã cho phép tôi ghi vào tiểu sử in ở bìa gấp của một tập truyện ngắn làm nhiều nghề mưu sinh, kể sơ thì có nghề phụ hồ, nhổ hàng trăm cây cọc sắt, hàng rào của một trại lính cũ, chạy dọc dài con đường Cường Để thơ mộng tới bờ sông Sài Gòn. Con đường chẳng thể ghi dấu những buổi đi dạo với Hạnh. Tôi còn nhớ như mới hôm nào, tiếng cười rúc rích chuột kêu của cô nữ sinh Gia Long bên vai anh chàng vận đồ nhà binh, quân nhu phát sao mặc vậy. Hạnh du học tự túc bên Nhật, trước Sài Gòn Giải Phóng vài năm.

Chính Hạnh ngạc nhiên khi biết tin tôi thành hôn với Lệ. Hòa thì bực giận. Hòa là em Lệ.

Trước ngày đám cưới, người mẹ của ba cô gái nói với cô dâu: “Sao con lại lấy cái thằng lăng nhăng ấy?” Bà biết tôi từng là bạn trai của Hạnh, sau đó hay gặp Hòa. Rồi lấy Lệ.

Từ Paris, Hạnh lúc đó ở Paris, gửi quà về gia đình khốn khổ ở Sài Gòn Giải Phóng. Tôi nhận được cái đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền, vỏ xi vàng như hàng mã, và một lá thư có những lời khuyên nhủ đáng giá: em phải sống thực tế, không thể mơ mộng như trước nữa, vân vân… Tôi không viết trong thư phúc đáp, mơ mộng mẹ gì được nữa, mấy ông Việt cộng giải phóng hết mẹ cả rồi. Tôi viết: dù tôi lấy em hay lấy con của Hạnh, cô cựu nữ sinh Gia Long cũng đừng ra giọng bà chị, bà mẹ.

Lệ ra trường sư phạm vào năm Sài Gòn Giải Phóng, dạy học ở Thủ Thiêm, được cấp nhà trong cư xá công nhân viên. Giáo viên của nhà nước cách mạng, năm nào cũng học tập bồi dưỡng chính trị. Cô giáo Lệ học tập trung ở Thủ Đức. Đợt bồi dưỡng chính trị năm 1983, tôi không biết làm gì cho hết một ngày trống rỗng thất nghiệp, đi xe đạp từ Thủ Thiêm lên Thủ Đức, định cùng về khi cô giáo Lệ hết giờ học. Hóa ra Lệ gửi xe đạp ở nhà người quen tại Thủ Thiêm, lên xe gắn máy Honda người bạn trai chở đi học, và tất nhiên sẽ chở về. Người bạn trai này là đồng nghiệp buôn bán “chợ trời” với người mẹ của Lệ.

Tôi chẳng nhớ lúc ấy tâm trạng mình ra sao, đạp xe trên những con đường thị trấn. Tới nhà ga, quẹo vào. Quẹo xe, liền nhớ một câu thơ Viên Linh: À xe ta quẹo lối này. Vào nhà ga, tức thời nhớ hai câu thơ Bùi Giáng: Môi cười ở cuối sân ga / Phố là cố quận nay là tiễn nhau. Thi ca thần diệu thật, tôi chẳng còn nhớ gì cô giáo và anh chàng chợ trời. Tôi nghe tiếng hét, ông Bùi Giáng kêu tên tôi: Dã quỳ đại ca! Ông Bùi Giáng xách bị tới nhà ga Thủ Đức. Ông Bùi Giáng lúc nào cũng mang theo cái bị, nó là cái bao tải bẩn thỉu, tôi chưa từng hỏi ông đựng những gì trong đó, ông cũng chưa từng tiết lộ mình đựng những gì trong đó. Có một lần tôi biết trong cái bao tải có chó con, không biết là mấy con, nghe tiếng chúng kêu, rên ầm ỹ. Tôi hỏi ông, có mấy con trong cái bao, ông nói quên chưa đếm, cũng may sau đó ông không trút ra để đếm.

Lần này ông Bùi Giáng tiết lộ: “Có một bao thuốc lá Điện Biên trong bị đây, đại ca cùng trẫm gạ bán lại cho hàng thuốc lá nào đó, lấy tiền uống rượu.”

Ông Bùi Giáng đi bộ, vai mang cái bị. Tôi cũng đi bộ, tay dắt cái xe đạp, nó cũ kỹ xộc xệch, không chở đôi được. Chúng tôi đi mời chào gạ bán bao thuốc lá Điện Biên cùng khắp dọc đường từ Thủ Đức về Bình Triệu chẳng ai mua. Ông Bùi Giáng bảo: “Đại ca chớ buồn, mà phải vui. Không ai mua thuốc lá Điện Biên, vì đây là thuốc lá Việt cộng, dân chúng tẩy chay thuốc lá Việt cộng.” Ông Bùi Giáng cùng ngồi xuống với tôi, trên lề đường, phía ngoài nhà ga Bình Triệu, chắc hẳn đôi chân ông cũng rã mỏi như đôi chân tôi. Ấy tuy nhiên, sau lưng hai người là một nhà ga, cuối sân ga có nụ cười.

*

Sau đó tôi chỉ liên hệ với Lệ, làm thủ tục ly dị. Sau đó nữa, tôi gặp Vi Diệu, trong một hiệu sách quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập, gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ hiệu sách nhân dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố mua cho bằng được. Những người phụ trách bán sách ở các hiệu sách nhân dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc đó, nên họ chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này, thỉnh thoảng tôi mới xoay xở được.

Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố gần nhà, nhà của cha mẹ, tôi về lại đây sau khi chia tay Lệ, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu còn, tôi sẽ đi xoay xở giấy giới thiệu. Cô gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy, tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm vẻ rét mướt cao nguyên, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc cuốn sách gì. Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột. Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị Xuân Diệu. “Chắc ba hay má cô thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái lại mỉm cười, nói: “Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên đó, đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.” “Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật đẹp, có một chiếc răng khểnh, “Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.”

Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi Giáng nhiều không, cô nói: “Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại học Vạn Hạnh. Hồi đó vẫn thường thấy ông Bùi Giáng với cái bị.” Tôi kể chuyện ông Bùi Giáng gạ bán bao thuốc lá Điện Biên để lấy tiền uống rượu, cô gái hỏi: “Thế anh cũng không có tiền à?” “Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.” Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, “Bây giờ anh có giấy giới thiệu không?” Tôi lắc đầu, nói: “Khó là cái giấy giới thiệu.” Cô gái nghĩ ngợi một chút, nói: “Thế anh có tiền lấy bộ sách này không?” “Chẳng lẽ lại không có!” Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tậpkhông cần giấy giới thiệu.

Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế Cường ở Mỹ về tặng. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai, làm ở ngành ngoại giao thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.

Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một vẻ điên dại, “Chớ nhà ngươi tưởng ta vận áo đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với ta, tới gặp một trang quốc sắc.”

Ông dẫn tôi tới con phố nhỏ hẹp, đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang đóng. Ông đặt cái bị xuống, mở cửa sắt, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà người đẹp Hồng Ngự.

(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp nhà thơ Bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng: Gọi là Vi Diệu cô nương / Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.

Những ngày sau đó tôi tới thường xuyên, gần như ngày nào cũng tới Hiệu Sách Nhân Dân, không phải để rình mua bộ sách Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của đời tôi. Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước quầy, một khoảng cách quá thân mật cho hai người đối diện thì thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không che kín sát đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi giày, đặt bàn chân ấy lên chân Vi Diệu. Cô vội rút chân ra khỏi chân tôi, im lặng một lúc, hỏi tôi: “Anh có đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất Linh rồi chứ?”

Một ngày sau đó không lâu, tôi không muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn. Anh Phan Đình Mỹ Kim, và tôi được ai đấy cho biết, anh Kim sắp đi Mỹ, diện HO, bởi là con của ông tướng Lam Sơn – Phan Đình Thứ. Tôi chưa hề biết, gặp anh Kim, nhưng người cha của anh thì không riêng tôi, một triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa biết ông. Nhiều người bảo ông có đeo trước ngực cái bùa hay cái răng nanh của heo rừng gì đó, mũi tên hòn đạn của đối phương thấy là phải né. Cái ông thượng sĩ cắc ké, có vợ đẹp, vợ được ông tướng Lam Sơn chiếu cố. Ông thượng sĩ nổi khùng, xách súng tìm ông tướng, liền nhận lãnh viên đạn của ông tướng bắn chết tươi, ông thượng sĩ không kịp giương khẩu súng phẫn nộ của kẻ mọc sừng. Tôi từng thương xót bụi tre vàng sọc xanh rất đẹp, trong khuôn viên tư dinh của tướng Lam Sơn. Ông mỗi ngày mỗi ra lệnh cho lính di chuyển bụi tre hết chỗ này tới chỗ kia, tới khi bụi tre quá mỏi chân tức mình mà chết. Mới đây, nghĩa là sau khi Vi Diệu cùng chồng sang định cư ở Mỹ trên mười mấy năm trời rồi, tôi lại biết thêm về ông tướng nổi danh tai tiếng. Hóa ra một người tôi quen thân từ mười mấy năm trời, nghĩa là từ thuở Vi Diệu ngắn ngủi của tôi, một ông kỹ sư vi tính từ Hà Nội vào, ông ta là anh em con cô cậu với tướng Lam Sơn. Ông ta bảo, vì sao đó thì ông ta không biết, người anh con cô của ông ta, viên chính ủy cao cấp Việt cộng, lại trở thành viên tướng của quân đội quốc gia, thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ông ta biết rõ, vì sau Giải Phóng “ông anh tôi có nhờ cậu, là bố tôi, can thiệp giúp, nói với mấy ông cán bộ cao cấp ở miền Nam đừng cho truy tìm bắt tội, họ hiểu lầm đấy thôi, ông anh tôi không hề chỉ điểm cho ngụy quân ngụy quyền bắt giữ một người cán bộ cách mạng nào sất!”

Trước ngày thành hôn với con ông tướng Lam Sơn, Vi Diệu nói trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm lại những thứ ấy làm quái gì, tôi nói Vi Diệu muốn liệng đi đâu thì liệng. Vi Diệu nói: “Tôi không thể liệng đi được. Anh không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?”

Tôi nói tất nhiên tôi không hề muốn như vậy, tôi chẳng muốn cái gì cả. Muốn như vậy cũng chẳng được, mà có được cũng chẳng để làm gì.

Bây giờ Vi Diệu ở Hoa Kỳ, rất có thể cô đọc báo mạng Tiền Vệ, nghĩa là cô có thể đọc những gì tôi viết ở đây. Anh Phan Đình Mỹ Kim cũng có thể đọc. Nếu thấy chi tiết nào làm anh Kim khó chịu, Vi Diệu hãy nói giùm tôi: Đây là văn truyện của một anh chàng tên là Nguyễn Đạt, muôn đời ở Việt Nam, bạn của cái ông nhà thơ điên Bùi Giáng ấy mà! Mấy ông ấy điên khùng lắm, có gì mà phải chú ý, để tâm…

Quán nửa khuya 

Hóa ra người đàn ông cao gầy mang kính trắng bước sang đường là người bạn cũ, tôi đang đợi anh tại quán cóc của Kỳ, ở một góc phố vùng Tân Định. Người bạn cũ chẳng giống như tôi hình dung, chúng tôi không gặp nhau đã trên ba mươi năm. Chậm rãi chào hỏi, bắt tay nhau. Tôi không nhớ ngày trước anh có vồn vã khi lâu ngày gặp bạn, bây giờ thì chậm rãi, hơi uể oải, giống sự lãnh đạm. Anh nói cũng chậm rãi, nhỏ giọng. Và anh nói chỉ là trả lời những gì tôi thăm hỏi. Buổi gặp lại của hai người bạn sau mấy chục năm xa cách không đến nỗi nhạt nhẽo, nhưng không đằm thắm.

Sau buổi gặp, cảm tình của tôi đối với anh tăng gấp đôi, dĩ nhiên không chính xác cân đong đo đếm như vậy. Cái nhìn của tôi về anh thay đổi, chuyển vị hẳn người bạn cũ, trong mường tượng của tôi chỉ là một anh chàng đẹp trai và dễ mến mà thôi. Anh hiểu biết, có thể gọi là trí thức, dĩ nhiên trí thức không nhất thiết là người có học thức cao rộng. Bạn học cũ, tôi biết rõ anh học tới đâu trước khi di tản sang Mỹ. Từ đó tới nay đã trên ba mươi năm, anh có thể đã là người học thức cao rộng, dĩ nhiên điều đó chẳng quan trọng. 

Nhưng nếu anh không có gì thay đổi, vẫn là người bạn cũ như tôi mường tượng… Dĩ nhiên người bạn cũ cộng thêm trên ba mươi năm cuộc sống bên Mỹ, tôi không thể mường tượng cho ra được. Dù sao tôi vẫn mường tượng, hơn nữa, tôi thường được nghe tin tức về anh. Tôi đã mường tượng, nghĩa là anh chàng đẹp trai bạn tôi có cuộc đời ái tình hôn nhân gay cấn… Tôi chẳng quan tâm những chuyện ái tình hôn nhân của ai để làm gì, nhưng anh là người bạn cũ vừa đẹp trai vừa dễ mến. Tin tức chủ yếu về anh cũng lại là chuyện đó. Tôi thấy chuyện đó có phần ngộ nghĩnh, đã trở thành một chi tiết trong một truyện ngắn của tôi, đăng tải trên báo mạng Tiền Vệ. Nhân vật chính trong truyện ngắn đó là ông Sơn Núi, một nhà thơ.

Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông Sơn Núi ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn, nó là một cuộc tra tấn, khủng bố khủng khiếp. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?” “Ừ, bạn học cũ thời trung học đệ nhất cấp. Mà sao ông biết?” “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu (ông Sơn Núi gọi mụ là mu) vợ cũ của ông Tướng Râu Kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang.” “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi.”(Sau đó họ lại Châu-Về-Hiệp-Phố, như tôi vừa biết khi gặp lại bạn cũ.) Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy.” Ông Sơn Núi cười thích thú một chập: “Cộng với c. lõ nữa chứ!”

Lúc viết ra chi tiết này, tôi nhớ lại như chuyện mới hôm qua: hai cậu học trò ngồi cạnh nhau cùng các bạn học, tập trung tại sân trường để nghe ông Tướng Râu Kẽm nói chuyện về binh chủng không quân của quân đội Sài Gòn. B.X.H. chăm chú nhìn ngó ông tướng, vẻ rất ngưỡng mộ, nói nhỏ với tôi: “Sau này tớ mong được vào không quân, chỉ xách cặp táp -nghĩa là làm tà lọt- cho ông Tướng Râu Kẽm là khoái rồi…” Sau này ở bên Mỹ, anh kết hôn với ‘con mu’ -lúc này đã ly dị ông Tướng Râu Kẽm- từng học tiếng Anh thầy Sơn Núi dạy kèm tại tư gia. Tôi thấy có phần ngộ nghĩnh lúc nghe tin đó, dĩ nhiên có phần ngộ nghĩnh không hẳn là ngộ nghĩnh. Có phần ngộ nghĩnh, nghĩa là trong đó có sự tréo ngoe, có cái gì đó giống như cú lộn mèo. Tôi ghi lại nguyên văn lời ông Sơn Núi nghĩa là tôi đồng tình với lối nói của vị gia sư về người học trò . Thú thật tôi không thiện cảm với người đàn bà của anh. Những gì tôi biết, thì người đàn bà này là một con buôn với cái vốn liếng có sẵn. Về Sài Gòn lần này cùng bà ta, anh cho biết, chỉ là về cùng một chuyến, mở quán phở tại Sài Gòn là chuyện của bà ta. Nhiều người ở Sài Gòn đã biết tin bà ta sẽ mở quán hàng phở, như số đông Việt kiều đã về Sài Gòn mở công ty, làm ăn này nọ.

Anh không nói gì về chuyện này, hiển nhiên không phải chuyện của anh, như anh đã xác định. Anh gửi Kỳ và tôi thiệp mời dự buổi khai trương quán phở, do Kỳ nói với anh rằng có đọc tin trên báo mạng về cái vụ mở quán. Tôi nghĩ anh ở trong tình trạng chẳng-đặng-đừng, vì lịch sự, khi đưa thiệp mời cho Kỳ và tôi. 

*

Buổi đầu tiên gặp lại người bạn cũ, như tôi đã nói, B.X.H. chỉ trả lời những gì tôi thăm hỏi. Có thể anh không chủ ý kiệm lời, có thể anh đã trở nên người trầm lặng. Anh còn nói gì được khi tôi hào hứng quá, hỏi anh hết chuyện này tới chuyện khác. Thật ra, anh tự ý cho tôi biết tin tức về những bạn học cũ hiện nay làm gì, ở đâu, vân vân. Thay vì nói X và Y ở cùng một thành phố, anh nói: “X và Y ở cùng một tỉnh.” Cái từ Tỉnh nghe rất Sài Gòn, Việt Nam. Tôi không nhớ được nhiều bạn học cũ mà anh nhắc. Tôi xa họ sau khi tôi rời trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, chuyển sang học trường Chu Văn An. Anh thì học tiếp ở trường Hồ Ngọc Cẩn hai năm nữa, và nghỉ học sau khi thi rớt tú-tài-phần-một.

Tôi ngạc nhiên khi anh tới nhà tìm tôi. “Biết bạn ở đây thì mấy lần về trước tôi đã ghé nhà bạn rồi. Về Sài Gòn lần nào tôi cũng đi qua con phố này… Bạn biết cái ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng đấy chứ ?…” Tôi không hề biết cái quán nào ngoài cái quán cóc của Kỳ ở vùng Tân Định, và vài cái quán ở khu vực nhà thờ mang tên Jeanne d’Arc, gần Ngã Sáu vùng Chợ Lớn. Ngày ngày tháng tháng, tôi ngồi cả buổi ở một trong vài cái quán đó, ngó tới ngó lui ngôi trường Chu Văn An, sau bao biến thiên vẫn mang tên trường Chu Văn An, nhưng không phải là trường trung học Chu Văn An như thuở trước, nghĩa là ngôi trường ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong quãng đời đi học của tôi. Đấy là một thời diễm ảo đã mất, dĩ nhiên như vậy. Và dĩ nhiên như vậy tôi còn một-chút-gì-để-nhớ… Và tìm-lại-thời-gian-đã-mất từ ngôi trường vẫn sờ sờ trước mắt, trong một buổi sáng ngồi quán cóc ở khu vực nhà thờ nữ thánh huyền thoại của Pháp quốc…

Quán nửa khuya đèn mờ như sương khói…

Đèn mờ dễ chịu cho cơn ngái ngủ, cho tiếng hát sương khói hòa trộn không gian. Những chùm hoa bằng lăng sáng rõ màu tím dịu dưới ánh đèn đường. Ba cô tiếp viên, bộ đồ bà ba hòa dịu đường nét thân thể nẩy lửa… Hóa ra B.X.H., từ chốn thiên đường xa tít mù như ảo vọng, trở về thành phố cũ ở quê nhà, dẫn bạn cũ tới một nơi tuyệt vời như không có thật. “Quán mở cửa suốt đêm đấy, bạn có thức khuya được không?… Thích uống bia thì uống bia, rượu Tây cũng có. Bia rượu ở đây có đủ thứ hết…” Bây giờ là dịp để tôi nói rằng tôi đang thoải mái dễ chịu nhường nào. Tôi nói đây là chỗ tuyệt vời có thật, chỗ lý tưởng cho một người đã hàng chục năm mất ngủ. “Từ mười mấy năm nay, tôi không thể ngủ được giấc ngủ bình thường như mọi người, không thể ngủ dù một giấc ngắn chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng sức khỏe của tôi vẫn bình thường, rất bình thường là đằng khác. Duy có điều, là tôi luôn ở trong tình trạng ngái ngủ. Tôi thấy lời Trang Tử có phần thích hợp với tình trạng của tôi: Im lìm thức, ơ hờ ngủ…” Anh nói: “Tôi hiểu, đúng như vậy. Ông cậu của tôi, ông cậu là luật sư ấy, chắc bạn còn nhớ, bị mất ngủ suốt hai mươi năm, vẫn sống thọ tới tám mươi tuổi đấy.”

Một cô đi lướt ngang, một cô khác đứng tần ngần nơi bàn chúng tôi, tỏa đậm mùi nước hoa. Ở một bàn trong góc tối, hơi khuất ánh đèn mờ, một ông khách gầy guộc, mang kính trắng, ngó xuống ly nước, có lẽ là ly cà phê đá, mấy ngón tay ông ta gõ nhịp trên mặt bàn. “Quán này đàng hoàng, không phải quán bia ôm, cà phê ôm đâu…Ở Sài Gòn có cả quán thịt chó ôm, bạn biết không?…” “Ờ, tôi cũng chẳng ưa ôm ấp gì trong quán xá. Vào quán này để nghe nhạc xưa, nhất là được nghe nhạc boléro chẳng hạn, thật gợi cảm cho những nỗi mênh mông u hoài…” Anh gật đầu, những sợi tóc mềm ngắn nằm im nhẹ trên vầng trán phẳng rộng. Một lúc anh cúi đầu xuống: anh không còn giống tài tử điện ảnh Mỹ Marlon Brando cộng với tổng thống Hoa Kỳ hào hoa Kennedy nữa, tôi ngỡ mình đang ngồi chung bàn trong ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng, với nhà văn Ái-nhĩ-lan James Joyce…

Con đường mang tên em, đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa…

Bài hát nhắc tôi những ngày ở Huế mùa-hè-đỏ-lửa, bên đồng đội, những gã lính Đại Đội Hắc Báo bặm trợn mang vẻ tư lự u hoài trong một quán cà phê bên dòng sông Hương nửa đêm về sáng… “Hồi đó bạn có mối tình nào với một em nào của xứ Thần Kinh thơ mộng?… Ừ, tôi cũng ớn các em gái xứ Thần Kinh lắm, dính vào các em là tiêu đời… Ấy nhưng mà, bạn, một chàng biệt kích báo đen, thì cũng chả đến nỗi phải sợ các em đâu…”

Chuyện trò trong ‘quán nửa khuya’, tôi không ngờ B.X.H. quan tâm tới văn chương nghệ thuật, rất am hiểu, cảm nhận tinh tế nữa là đằng khác. Anh đọc hầu hết các tác giả văn xuôi văn vần Việt Nam đương đại cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, dĩ nhiên như vậy là đã đọc ít nhiều thơ truyện của tôi. Nên tôi hồi hộp hỏi anh đã đọc truyện nào của tôi trên báo mạng Tiền Vệ, nói mơ hồ về cái truyện trong đó tôi có nhắc tới anh (dĩ nhiên tôi không nói tới ‘con mu’ gì hết.) “Truyện ấy hả? Tôi cũng đã đọc rồi… Nhân vật Sơn Núi có phải là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không?…” Nghe anh nói vậy, tôi yên lòng. Nghĩa là anh không quan tâm cái vụ ‘con mu’ gì hết, anh còn khen: “Bạn viết lạ lắm, khác hẳn những tác giả trước cũng như sau… Người đọc bạn sẽ hình dung bạn là còn rất trẻ. Giả dụ tôi không biết bạn, tôi cũng sẽ hình dung bạn như vậy. Và đọc bạn viết, thấy giống như đọc truyện của một nhà văn nước ngoài nào đó, bằng tiếng Việt…” 

*

Ông khách gầy guộc mang kính trắng bây giờ ngồi ngả người vào cô gái, hình như là cô lúc nãy đứng tần ngần ở chỗ bàn chúng tôi, mái tóc thả dài của cô bây giờ kéo hết sang bên ông khách. Điện thoại di động trong túi quần tôi reo. Tiếng nói của Kỳ: “Anh còn thức đấy chứ hả?… À mà anh bị chứng mất ngủ, đâu có ngủ nghê con cóc khô gì… Này anh, em đang say ngất ngư đây, anh B.X.H. mang ra quán bờ kè Tân Định một cặp Rémy Martin, mà chỉ có ba người thôi… Em có nói để kêu anh ra nhưng anh B.X.H. có vẻ không ưng. Hình như anh ấy giận anh cái gì đấy… Hình như về chuyện thơ văn gì đấy mà… Anh ấy bảo… anh ấy chê anh viết cái gì đấy, anh ấy bảo là anh bày đặt viết lách tào lao… Viết không ra cái đếch gì, không đáng xách dép cho những người bạn thân của anh ấy ở bên Mỹ, những nhà văn danh tiếng lẫy lừng như… như Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương gì gì đó nữa… em không nhớ hết nổi. Anh ấy vào trong toa-lét nãy giờ chưa ra… Dám có em nào đang níu kéo anh B.X.H. ở trong đó… Thôi nhé. Minh Bò con ông giáo sư âm nhạc Trần… xỉn gục tại chỗ từ lúc nãy. Em cũng say quá chừng rồi. Thôi anh ráng ngủ đi. Anh cứ nhắm mắt lại, đếm chậm chậm từ một tới mười tới một trăm tới một ngàn…”

Hóa ra tôi vào ‘quán nửa khuya’ có một mình. ‘Quán nửa khuya’ có mình tôi và ông khách gầy guộc mang kính trắng, và ba cô gái vận đồ bà ba nữa chứ. Tôi vẫy tay gọi cô gái đang ngồi cạnh cô gái gục đầu ngủ, tóc lòa xòa trên mặt bàn, bảo mang ra một chai rượu vang đỏ. “Có rượu vang Pháp, vang Tây Ban Nha, vang Chi-lê, vang Ác-hen-ti-na, anh hai uống thứ nào?” Tôi nói thứ nào cũng được, miễn là rượu vang. Giọng cô gái ngoan ngoãn, ngọt ngào: “Dạ!”

Lúc này, bài hát tôi ưa nghe trong những năm chinh chiến, càng ưa hơn từ thời gian tôi bị chứng mất ngủ, vang lên trong đêm khuya khoắt: Màn đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn…

Thật ra, bài hát nào tôi cũng ưa nghe, miễn là giai điệu boléro. Cũng chẳng cần đúng giai điệu boléro, miễn là từa tựa như vậy, cũng đủ dịu dàng êm ái dỗ giấc ngủ ơ hờ. /. 

Sài Gòn, tháng 11.2009

Một nơi mất tích

(Nhân vật xưng) tôi, hắn có thể trở lại căn nhà này vài ba lần hay vài ba chục lần nữa, ai mà biết được. Dù sao thì ngay lần này, lần mà tôi hiện diện ở đây, căn nhà đã không còn nữa. Tuy nhiên việc hình dung ra nó, căn nhà ấy, chẳng có gì khó khăn. Bởi vì căn nhà xoàng xĩnh tới nỗi chẳng có gì để hình dung, chẳng có gì hết. Một mái trú dột nát, bốn bề tường vách loang lổ, có một lỗ hổng, lũ chuột ra vào tìm kiếm thức ăn, chúng cư ngụ, hẳn thế, chúng sinh sản nữa, ở đâu đó trong bức tường.

Vài cái rương gỗ, một cái giường sắt nhà binh, vài quyển sách, một khung hình không có hình. Trên mặt một cái rương, tôi đặt bức thư đã xé mép phong bì, chặn trên bức thư bằng một cục đá cuội khá lớn. Bức thư ở đó chẳng nhắc nhở tôi gì hết, không chừng chỉ có cục đá cuội gây chú ý, bức thư chị Hợp mang tới giùm Hạnh. Tôi từng quen biết Hạnh, chị Hợp từng quen biết Hạnh.

Tôi quen cả hai người cùng lúc, chị Hợp và Thành, người chồng của chị. Một bạn học cũ chơi thân với Thành từ thuở nào, ngưỡng mộ Thành. Theo lời bạn học cũ nói về Thành, tôi cho rằng Thành còn tự ngưỡng mộ mình hơn cả sự ngưỡng mộ của bạn. Suốt thời trẻ, anh ta chỉ vận quần lót, đi lại, ngắm nhìn mình trong gương ở phòng khách mỗi ngày ít nhất nửa buổi.

Chị Hợp tới lúc tôi vừa thức dậy, không phải chị tới sớm, mà là tôi thức dậy quá muộn. Chị ngồi trên mép giường sắt nhà binh, trong nhà không có cái ghế nào, không có thứ gì để ngồi, ngoài cái giường tôi vừa ngủ dậy. Tôi đoán chị Hợp đã có con lớn tuổi, có thể đã lập gia đình rồi là đằng khác, sao chị ngồi rụt rè, ở mép giường? Tôi lấy nước mời chị uống, và tôi ngồi trên mặt rương gỗ, bên cạnh bức thư của Hạnh có một cục đá cuội khá lớn chặn giữ. Tôi hút thuốc và định nói gì đó chưa biết, chị Hợp nhìn chỗ bức thư có chặn trên đó một cục đá cuội khá lớn, “Anh đã gặp Hạnh rồi chứ?” Tôi lắc đầu. Tôi không tìm tới chỗ Hạnh ở làm gì, nơi mà Hạnh viết trong thư là đã rời khỏi. Chị Hợp không hỏi thêm lời nào, chị nhìn vu vơ các chỗ trong căn nhà. Cái nhìn lướt qua, trở lại, vẫn cái nhìn vu vơ, lướt qua lỗ hổng của lũ chuột. Tôi nói khi chị không nhìn vu vơ nữa, chị nhìn tôi, cái nhìn có sự ngạc nhiên trộn lẫn nỗi buồn nào đó, cái nhìn làm tôi hối hận về sự ơ hờ của tôi đối với bức thư chị mang tới tuần lễ trước, “Tôi tưởng chị biết Hạnh đã rời khỏi đây?”

Chị Hợp cúi đầu, hai tay giữa hai chân duỗi thẳng, mái tóc chị hơi dài, dợn sóng chảy xuôi xuống hai bên khuôn mặt. Chị Hợp ngồi như thế một hồi lâu, chị ngước khuôn mặt, và tôi có cảm giác vừa đi qua con phố sau cơn mưa bốc lên mùi gỗ ẩm. Tôi đã đi qua con phố như vậy bao giờ chưa? Con phố ở đâu đó, hình như ông Jean-Paul Sartre đã đi qua. Có phải vì cái tựa quyển sách tôi vừa nhớ ra, tôi nhớ tới Thành, buồn nôn?

Anh ta dẫn cô cháu họ tới ở tạm trong căn nhà này, “chờ dượng thu xếp chỗ ở mới”, với xấp hình khoả thân mà anh ta tự hào về tay nghề nhiếp ảnh của mình, “những bức ảnh khoả thân cỡ quốc tế, chụp cô gái có thân thể đẹp tuyệt vời như thần Vệ Nữ”. Chị Hợp chắc không hề biết những tác phẩm nghệ thuật của người chồng, những tấm hình khoả thân với đủ tư thế khiêu dâm của người cháu gái, chị Hợp là dì ruột.

Chị Hợp, vừa cúi xuống lại, bất chợt ngước khuôn mặt, con phố sau cơn mưa bốc lên mùi gỗ ẩm, chị nhìn tôi, cái nhìn ngạc nhiên trộn lẫn nỗi buồn nào đó lạ lùng, cái nhìn chuyển nhanh sang vu vơ như làn khói thuốc lá tôi thở. Tôi thề rằng tôi không tự chủ được gì hết, tôi vụt đứng lên, đi tới chỗ giường sắt nhà binh, và chị ngã xuống, sém chút nữa va đầu vào vách tường. Tôi ôm choàng thân thể chị Hợp, chị giấu mặt trong tóc, tôi hôn vào tóc vào tai, tôi muốn ngấu nghiến chị như con thú đau đớn tuyệt vọng. Rồi tôi im sững. Chị Hợp khóc không tiếng.

(Nhân vật xưng) tôi không thể hiểu vì sao Thành biết chuyện này, sau hai tiếng đồng hồ chị Hợp rời căn nhà tôi ở. Anh ta là một nghệ sĩ nhiếp ảnh to khoẻ, nhưng không phải vì thế mà tôi bàng hoàng. Tôi hãi hùng trộn lẫn lo sợ trộn lẫn hối tiếc, hoàn toàn vì chị Hợp. Thành gằn tiếng: “Cậu đê tiện lắm. Thế là hai kẻ đê tiện đã lộ mặt, đứa gian phu, đứa dâm phụ.” “Không phải như vậy, anh hiểu lầm rồi.” Thành cười nhạt, “Tôi không hiểu lầm.Từ lâu tôi đã biết tình ý của hai người. Và cậu còn đủ tự trọng để không chối cãi chuyện vừa rồi chứ? A ha, quần nhau đã đời trên giường lò xo sắt nhà binh! Cả hai người cao đạo, bây giờ lòi cái đuôi chim chuột.” Hình như tôi sắp đưa thẳng tay ra, bóp cổ tên tổ sư chim chuột chính hiệu. Hình như anh ta lùi lại một chút, giáng thẳng nắm đấm vào mặt tôi. Hình như máu mũi, máu miệng tôi phun ra, nhanh như bước chân anh ta rời khỏi căn nhà tôi ở.

Sài Gòn, 2/10/2005

Sổ Tay
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com

xem phim hài 18+

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016 “Dran / B’lao / Di linh / Đà lạt / Đa thọ ‘ thi tập nguyễn đạt ( nxb giấy vụn / saigon / phổ biến hẹp)

thi tập mới nguyễn đạt  (2015)

phụ bản hoa phẩn đinh cường

nxb giấy vụn  (saigon)

                  D RA N

         b ‘  la o – d i li nh  – đ à l ạt  – đa  thọ

                                                   thi tập  nguyễn đạt

                                                         nguyễn đạ t  [ 1945-     ]

                                                                                    ( photo : from my Ipad/ Jan., 16, 2016)

                                         ” sáng nay đưa vợ đi chợ, tôi ghé quán cà phê bà Lê Chân (Tân định)

                                                                        mười mấy năm nay,  chủ là thứ n am  cố họa sĩ Thái Tuấn  .. .”

                                                                                 (nơi này,  Đinh Cường  từng ghé uống cà phê )                                      

                                                                                ( ảnh : Internet)

                                                                                   Thế Phong                                                  

                                                                                   ( ảnh : Thục Khê )

 Sáng  nay đưa vợ đi chợ Tân định, tôi ghé quán cà phê bà Lê Chân (mười mấy năm nay; chủ là thứ nam cố hoạ sĩ Thái Tuấn)   để đưa bài viết mới, có in ảnh ông Nguyễn xuân Công [1918- 2007-  tên thật họa sĩ Thái Tuấn ) — thì may mắn sao;  lại nhìn thấy thi sĩ Nguyễn Đạt.

Chàng thi nhân lãng tử đào hoa số một của Saigon cũ (khỏe, đẹp lão, vẫn đi xe gắn máy, dù 71 tuổi; chỉ tiếc chiều cao hơi thấp)  đang cà- phê, cà- pháo với một bạn trẻ (được giới thiệu  tên,  bác sỉ Hùng ở Binh dương)  đang tán phét chuyện đời.

 “Lâu lắm không gặp anh, anh uống gì, cà-phê sữa nóng nhé !”  –  Nguyễn Đạt nói  . 

–  ”  chàng này sinh năm Ất dậu, đúng không? sao bữa nay không chở phu nhân cùng rong chơi, cà-pháo, cà- phê; như những lần khác ;mà  tôi đã gặp? ” 

”   bây giờ em đi một mình, vợ em đã có con trai chở”. 

” cho tôi hỏi thăm cô giáo dạy anh văn rất giỏi”,  tôi tiếp lời .  

 ” anh có biết họa sĩ Đinh Cường qua đời 7/1/ 2016  ( Hoa Kỳ)  tức 8 tháng 1.  (Saigon)  lời Nguyễn Đạt .

” biết, có post 3, 4 : bài : một bài viết Đinh trường Chinh nói về những ngày cuối của người cha ho khạc ra máu; và, nhờ con gửi bài cho báo mạng (blog PCH) ; giấu  không cho bạn bè biết bệnh tình; đăng thơ Ý Nhi ( mới được giải thưởng CIKADA Thụy điển)  than  khóc ; rồi, Đỗ xuân Tê ở Cali, cũng khóc than  Đinh Cường, bằng thơ. “- tôi trả lời .

”   anh Đinh Cường là một  ‘hiền nhân hiếm có, thật tài hoa, chết quá uổng’ ; anh ấy bảo em cứ in thơ đi, sẽ hỗ trợ ngay  ‘ngân ảnh vĩ nhân Hoa K ỳ ‘ — nói xong, đưa điếu thuốc lá  Jet lên môi, châm lửa, hút) –  lời  Nguyễn Đạt.

 ( tôi im lặng nghe, thầm nghĩ : ‘vừa đọc bài Trần hoài Thư ở New Jersey,  thi sĩ kiêm chủ nhà xuất bản ‘Thư ấn quán   tự in, đóng, phát hành hạn chế, ‘sao’  các tác phẩm văn chương giá trị xuất bản trước 1975 + tác phẩm mới bè bạn  ở Mỹ;  v.v… vừa tiết lộ, Đinh Cường mới đây, trao cho anh một bì thư dày cộm ( khá nhiều ngân ảnh vĩ nhân Hoa Kỳ)  để tạ ơn  nhà xuất bản,  in tập thơ ‘Cào lá ngoài sân đêm  / thơ Đinh Cường — nay, anh ấy cần thêm một số bản nữa — hoặc, trả tiền đặt mua bộ  ‘  Lược  đồ văn học Việt nam’  ( không thấy nêu tên soạn giả /  6 tập)-   tôi đoán tác phẩm biên khảo văn học Thanh Lãng- Đinh xuân Nguyên – nxb Trình bày  in lần đầu ở Saigon.   ( 2 tập, )

                                                                      cào lá ngòi sân đêm/    đinh cường

                                                                            (thư ấn quán xuất bản/ new jersey, 2014)

                                                                        (courtesy photo : cothommagazine)

                                                                  họa sĩ  đinh cường  ngoài đời    (góc  trái)

                                                                   chiêm ngưỡng  đinh cường  trong tran h    (góc phải)

                                                                                   ( courtesy photo :  cothommagazine )

  vậy  là, tôi đã được nghe 2 vị khen họa sĩ Đinh Cường —   bỗng nhiên; khiến   nhớ tới một chuyện, nhỏ thôi — xảy ra từ  trước năm 1975 ở Saigon, về ‘ cậu sinh viên trường Mỹ thuật Huế, quỵt tiền mua sách rô-nê-ô Đại Nam văn hiến’ . 

 ấy là, năm  1957, khi cậu học trò Đinh văn Cường từ Thủ-dầu-một cùng cha mẹ, em về Saigon sinh sống  (ở Xóm Lách, nay là một một hẻm trên đường Nam kỳ Khởi nghĩa thuộc phường 7/ quận 3/ tp HCM)   sắp tốt nghiệp tú tài .

 cậu này có tài  kẻ chữ in  rất đẹp;  tôi nhờ cậu kẻ 4 chữ  VĂN HÓA Á CHÂU  , thay cho 4 chữ cũ trên bìa tờ tạp chí   (chủ nhiệm: giáo sư Nguyễn đăng Thục + chú bút gs. Lê xuân Khoa ( hiện định cư ở California)  + việc cho đăng một số bài viết, dịch về hội họa của cậu , trên tạp chí  ‘Văn hóa Á châu’ .

( lúc này tôi là biên tập viên  kiêm thầy cò/ correcteur — bài vở tạp chí VHAC trả hậu hĩnh, 200 Vnđ/ trang báo —  Asia Foundation trợ cấp .)

 tôi nhớ rất rõ: cậu ta chỉ kẻ 4 chữ VĂN HÓA Á CHÂU  thôi, quản lý Trịnh hoài Đức bằng lòng trả 2000 đồng + bài vở Đinh Cường viết, có lần cậu lĩnh tiền bài cả 10 ngàn Vnđ. (khi ấy 35 Vnđ ăn 1 Mỹ kim, thì phải.)  

và, những năm từ 1957 đến 1959, bài vở Đinh Cường viết về hội họa đều được đăng thường xuyên; cho tới khi tôi nghỉ làm báo ở Văn hóa Á châu, vì đăng bài điểm sách lên án Hoàng trọng Miên, tác giả Việt nam văn học toàn thư , được giải thưởng tổng thống VNCH; mà thực tế, chàng ta ‘đạo toàn tập ‘ bộ Lược khảo về thần thoại VN/  Nguyễn đổng Chi ở Hànội. 

tới 1959, tôi cho xuất bản Nhà văn hậu chiến 1950- 1956’  (tập 3 trong bộ ‘Lược sử văn nghệ Việt nam)   in rô-nê-ô, tự đóng lấy, tự phát hành, tự đi thâu tiền. Thì;  cậu Đinh văn Cường sắp nhập học trường Mỹ thuật Huế, có tới gác trọ tôi thuê (ở sau Nhà thờ Công giáo Bắc hà, đường Lý thái Tổ, Saigon 10)  để ngồi xệp trên sàn gỗ chia từng tờ in rô-nê-ô, đóng, vào bìa.   

cậu sinh viên Đinh văn Cường là một trong số 50 người nhận mua sách của Đại Nam văn hiến;  ( sách in ‘lậu’ không xin giấy phép bộ Thông tin)  mỗi tháng xuất bản 1 tới 2 cuốn.(giá 50 đ, 100 đ, 200 đ tùy theo số trang ít hay nhiều)  — tôi gửi sách qua bưu điện cho ‘họa sĩ Đinh Cường, trường Mỹ thuật Huế’  rất đều đặn.

Trước; thì, cậu trả sòng phẳng; sau hơi hơi lơ là, có khi cả 5, 6 tháng ‘nhận sách rồi;  mà tôi không nhận được bưu phiếu chi trả.  Thông cảm sự chậm trễ của ‘cậu sinh viên hội  họa trẻ tuổi ,’ có thể đang cơn ‘túng ngặt ‘; cuối năm, tôi đành gửi thư hỏi ” sách có nhận đủ không, nếu sẵn’ bạc’ thì gửi cho nhà xuất bản nhé”. 

ít lâu sau, nhận được thư trả lời ‘đã lâu không còn nhận được sách Đại Nam văn hiến ‘.  

Thầm nghĩ thôi, sách tôi gửi độc giả ở xa (qua bưu điện Tân định)  chưa ai khiếu nại bị mất sách cả; duy nhất lần này  khiếu nại độc nhất, là  ‘câu sinh viên hội họa trường Mỹ thuật Huế.

                                                                ***

                                       phạm công thiện    (bên trái,ngoài cùng )  [1941- houston 2011]

                                                          — thế phong  [1932 –       ]  — đinh cường   [ 1939- virginia 2016]

                                                                                   (tư liệu ảnh : đinh cường)

Mọi chuyện qua đi, lần tôi lên Dalat; ký gửi tập truyện ngắn ‘Tuyển truyện Thế Phong ‘- 

(Hoa Phương Đông xuất bản do Thế Nguyên bỏ tiền in, Saigon 1960);  gặp Đinh Cường (mặc com-lê) , Phạm công Thiện, tại nhà sách Duy Tân.Chúng tôi ra trước nhà sách Duy Tân, trên đường Duy Tân Dalat chụp một bức hình kỷ niệm.

  (lúc này; gia đình nhà Đinh Cường đã dọn về nhà mới ở đường Nguyễn đình Chiểu (Saigon 3) – nay, đường Trấn quốc Toản, quận. 3 )

 có một lần, tôi tới nhà chuyển lời thi sĩ Ninh Chữ (chủ nhà may âu phục Can, ờ 110 đường Tự do)  nhờ Đinh Cường vẽ bìa cho tập thơ, Đại Nam văn hiến xuất bản cục  in ấn,  Vô tình, tôi nhìn thấy 7, 8 cuốn sách rô-nê-ô để ở trên bàn, gần phòng khách; tôi lén mở, liếc nhìn. đúng là  :’sách có tên gửi cho người nhận,  ‘ họa sĩ Đinh Cường ‘. 

 vậy là ; cậu sinh viên này đã nhận đủ sách, nhận thư đòi tiền; trả lời’:   đã lâu không còn nhận được sách Đại Nam văn hiến  ‘. 

Giữ im lặng; hình như sau đó tôi có viết đôi hàng về chuyện này trong ‘Thế Phong: nhà văn, tác phẩm, cuộc đời’  thì phải’ — từ đó, tôi không còn gặp hoạ sĩ ‘trẻ’  Đinh Cường thường như trước .

                                                  vỉa hè   đường Hai bà Trưng  / Tân định

                                                                              ( bên phải , từ phía từ cầu Kiệu đi xuống)

                                                                      sau 30/4/ 75 mẹ + (vợ họa sĩ Đinh Cường buôn bán vặt 

                                                               — kể cả vợ + con tôi (TP) bán mũ (nón) vải kiếm sống hàng ngày.

                                                                                              (  ảnh Internet)               

                                                              ***

Sau giải phóng, có khá nhiều lần, họa sĩ  Đinh Cường chở tôi bằng Mobylette xám đi cà-phê, cà-pháo trong một hẻm nhỏ ở mạn Dakao. Cà- phê đen rất ngon, anh ta bảo, chủ là một nghệ sĩ gốc Huế rất có ‘gu ‘  cà phê; quen thân; nhưng tôi chẳng hỏi tên làm gì.

 Hinh như vào năm 1989; gia đình anh xuất cảnh, tôi không còn gặp mẹ  + vợ anh buôn bán nhỏ trên lề đường Hai bà Trưng nữa  (Tân định )  —  cũng là vỉa hè mà nơi vợ+  con   tôi, cũng bán bánh bông lan;  sau chuyển sang bán mũ nón, chuyển tới vỉa hè, phía trước trường Thiên phước -Tân định.  

Dăm sáu năm nay , đọc vanchuongviet.org  (nguyễn hòa vcv);  gặp nhiều bài thơ hay  của họa sĩ kiêm thi sĩ Đinh Cường.

thơ tự do viết như nói chuyện (style cinématographique ) rất đặc biệt, rất hay là khác; tôi bèn đăng lại trên blog  của tôi. ( virgil gheorghiu- tản mạn văn chương/ thế phong – Thephong’s poems)  .

 Năm 2011, Phạm công Thiện qua đời ở Houston, có 1 bài thơ của Đinh Cường viết về Thiện + in tấm ảnh 3 người PCT+ TP+ ĐC  chụp ở Dalat năm 1963 + lời nhắn, từ anh Nguyễn Hòa (vcv  —  để phân biệt với một  Nguyễn Hòa khác ở Hànội):    ” ĐC nhắn,  anh TP viết bài về Phạm công Thiện, để đăng tiếp trên vanchuongviet  nhé.” 

                                                          *** 

Cầm thi tập mới, Nguyễn Đạt tặng (không bán, phổ biến hẹp )  để tên nhà xuất bản Giấy vụn/   Bùi Chát; chàng thi sĩ lãng tử Nguyễn Đạt nói ,

” em download từ file Amazon ở Mỹ xuống  ấy.  Anh có biết Amazon không nhỉ?”

” sao không, CEO Jeef Bezos từng rao bán sách tôi trên mạng, phải nói thật, rất nhiều sách của tôi, là khác.Nào là  Thephong by Thephong … – autobiography    (1 used  bán 650 usd)  ; ”TKH, Nàng là ai?/  Thế Nhật Thế Phong+ Nhật Thu)  bán 30 usd một used  v.v… không trả một xu teng  bản quyền;  khi tôi trả lời phóng viên Chinh Nguyên ở Mỹ(bài đăng ở Calitoday.com):  ‘  tôi gọi họ là piracy  của Copyright infringement’.  

                                     ” khi tôi [TP] trả lời phóng viên Chinh Nguyên  (ảnh trên) ở Mỹ 

                                                            (bài đăng ở Calitoday.com ); tôi gọi họ  [Amazon.com]

                                                                  là piracy của Copyright infringement”. 

” anh có biết Nguyễn xuân Thiệp ở Mỹ không nhỉ ?  Anh ấy ở Dallas, đăng tiểu sử của em qua anh viết + kèm thơ . Anh này từng mang lon đại úy VNCH; cùng đại úy Phan thế Hùng  (Châu Trị)  làm sếp  Tiếng nói quân đội, ở đài phát thanh Dalat trước 1975 .”

” có biết, không quen thân, anh từng có thơ đăng trên tuần báo Đời mới  (Trần văn Ân/ chủ nhiệm/ Hoàng thu Đông+ Nguyễn đức Quỳnh chủ bút ( không đề tên trên báo)   từ thập niên 50 — thơ ký bút danh Châu Liêm, thì phải? – và, có một lần, nhìn thấy anh ta đến hội thánh Báp- tít Ân điển Saigon thờ phượng, vào một chủ nhật — rồi sau đó xuất cảnh, theo diện H.O; thì phải ? Cũng được nghe thêm, từ nữ thi sĩ Ý Nhi khen thơ hay ở hải ngoại,  tôi nghe loáng thoáng có tên Nguyễn xuân Thiệp + Hoàng xuân Sơn . 

đinh bạch dân

SAIGON, JAN., 16, 2016.

TRÍCH THƠ NGUYỄN ĐẠT

                                                     Hồn hoa Dran  *

                                 Trên mặt đất này chen chúc muôn hoa

                                mỗi loài hoa có riêng một ngôn ngữ 

                                nói với riêng tôi là đóa dã quỳ 

                                bấy nhiêu năm ở núi rừng Đa thọ.

                                Trên mặt đất này rất nhiều miền lạ 

                                một một miền có riêng một linh hồn 

                                linh hồn tôi ở mãi Dran- Đơn dương

                                ở nơi ấy cũng như ở Đa thọ.

                                Dẫu ở Dran dẫu ở Đa thọ 

                                cũng như ở B’lao Đà lạt Di linh

                                dẫu ở nơi đâu trên miền cao nọ

                                vẫn đóa quỳ dậm gió rung rinh.

  

                                 —

                                  *  chỉ một chữ đầu đọan thơ viết hoa .( Bt)

                                 B’ lao xanh   *

                                 Xe dừng nghỉ ở B’ lao một buổi trưa

                                 buổi trưa nào đó không quan trọng 

                                 một buổi trưa xanh  một buổi trưa vàng

                                 một buổi trưa xám xịt cũng cần để thở

                                  Buổi trưa đó trong xanh

                                 cà-phê đắng cây cỏ hoang vu

                                 và biểu tượng của đền đài phế tích 

                                 và tiếng nói ai thức mộng ban sơ 

  

                                  Tiếng nói ai ngắt cơn gió lạnh 

                                  khuôn mặt thấm dậy giấc mơ

                                  giấc mơ tôi suốt đời hai mươi mấy năm không ngủ 

                                  mấy nghìn đêm thức trắng tôi chờ

                                   Xe qua B’ lao, B’ lao xanh.  Hồn xôn xao

                                   tôi xuống chỗ này 

                                   nàng vận áo ngắn tay không ngại giá rét

                                   từ ban sơ gió đã tràn heo may 

                                   Từ B’ lao sơ B’ lao đã xanh 

                                   một ngôi quán rộng rinh chứa mấy nghìn đêm trắng 

                                   chứa mấy nghìn hân hoan chứa mấy nghìn buồn phiền

                                   chứa những ngày ân sủng chứa hối lỗi muộn màng 

                                   chứa hết hồn tôi động đậy đau đớn  

                                   chứa hết hồn nàng u uất lặng câm  

                                   men rượu bia thay cà-phê đắng 

                                   điệu Blues  câm buồn sẽ tỏa lên xanh.

                                    —

                                    *   B’ lao, tên gọi từ thời Pháp thuộc, nay , Bảo lộc . (Bt)

                                 Một bông hoa nhỏ

                                 Ai kia nghìn lần không nói

                                 thuở trăng vỡ mộng chia hai

                                 trái đất tràn cơn giá lạnh

                                 một mình em hạ sinh đôi.

                                  Ai kia mê mải u buồn

                                  cho những kiếp nào sẽ tới 

                                  nghìn xưa chưa hết quay cuồng

                                  trái đất nghìn sau có vậy?

                                  Đã về đây hay ảo tưởng

                                  ai kia hiu hắt bên hồ  

                                  sương tan sợi khói vương vấn

                                  điếu thuốc khô môi bao giờ.

                                   Đã về đây đã thật về

                                   ai kia lặng nhìn không nói

                                   lặng nhìn ai tựa cơn mê 

                                   điếu thuốc tàn rơi mệt mỏi.

                                   Tàn rơi. Điếu thuốc tàn rồi

                                    ai đến với kề vai bên người

                                    em ơi mai này có nhớ 

                                    một bông hoa nhỏ bồi hồi .

                                   Finnom  *

                                   Thi-họa-sĩ Đinh Cường 

                                   còn nhớ mấy Phú thạnh 

                                   tối màu trời Finnom 

                                   xiêu dáng người hiu quạnh

                                    Trở lại chi chiều nay 

                                    cho mây sà xuống thấp 

                                    cho lá rớt khỏi cây 

                                    cho ai đi chân đất  

                                     Rồi đổ mưa sũng tóc 

                                    rồi ướt ai vai gầy

                                    rồi ai buồn muốn khóc

                                    xui thác nước tuôn hoài  

                                    Mưa bưởi rưởi trên đường

                                    phút giây nào từ biệt

                                    xe còn đợi ai lên 

                                    ai vườn sau rét mướt

                                    Ai buồn như bánh xe

                                    quay hoài trên mặt đất

                                    tôi buồn như nan xe 

                                    lao tới hơn móng sắc.

                                    nguyễn đạt

                                   —

                                    *  Finnom ; tên từ thời Pháp thuộc, nay Phi- nôm . (Bt)

                                                                     ‘dran – b’ lao- di linh- đà lạt – đa thọ  /  nguyễn đạt

                                                                          ( nxb giấy vụn  ( tp. hcm 2015/  phổ biến hẹp)  

                                                 thủ bút +chữ ký tác giả thi tập   nguyễn đạt.

thi tập DRAN- B’ LAO- DI LINH- ĐÀ LẠT – ĐA THỌ /  thơ NGUYỄN ĐẠT

khổ 13, 3 x 19, 5 cm, 140 trang ( nxb giấy vụn (2015)

không ghi số giấy phép,

 phụ bạn họa: đinh cường,

 phác họa  chân dung nguyễn đạt:  vu par dinhcuong .

trang đầu thi tập, có câu:

 ‘ Le domicile est suspendu au cou de

l’ homme comme une punition’  /  Prof. Alain  ‘

  đọc câu này, tôi nói với  tác giả:

‘ thân thể người ta chia làm 3 phần ” đầu mình + chân tay– 

phần quan trọng không là đầu+ mình+ chân tay – mà là  “cou  giữa “- 

tiếng tây học từ xưa, chỉ  ‘ cou  giữa ‘ là   thằng phải gió  thêm vào.

” thơ nguyễn đạt   đạt tiêu chuẩn thơ hay,   đạt  từ lâu lắm rồi !”

cuối thi tập,  tác giả ghi vài hàng tiểu sử  gọn, nhẹ, đầy đủ.

–  còn ghi số'(cell phone: 0903. 139. 942) 

+  e- mail: 

  (Bt)   

            

Được đăng bởi ThePhong ThePhong   vào lúc 00:40     Gửi email bài đăng này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Pinterest
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com

xem phim hài 18+

NGÔ THẾ VINH

Hình 1: Mai Thảo và ký họa của Tạ Tỵ.

Nguồn: E.E – Emprunct Empreinte

“Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn.”  Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà.

BÀN VIẾT LỮ THỨ MAI THẢO

Khó có thể tưởng tượng cảnh sống đạm bạc của nhà văn Mai Thảo trên đất nước Mỹ. Chỉ là một căn phòng 209 rất nhỏ trên lầu 2 của một chung cư dành cho người cao niên ngay phía sau hẻm nhà hàng Song Long. Chỉ có một bàn viết, chiếc giường đơn với nơi đầu giường là một chân đèn chụp rạn nứt và dưới gậm giường mấy chai rượu mạnh; trên vách là mấy tấm hình Mai Thảo; đặc biệt là tấm ảnh phóng lớn có lẽ chụp trước 1975, Mai Thảo cao gầy ngồi trên bậc thềm nhà cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương mảnh mai trong áo dài the, phía dưới là một kệ sách. Mai Thảo có nhiều bạn nhưng đây có lẽ là tấm hình “đôi bạn” mà anh rất thích. Về tuổi tác, Vũ Hoàng Chương hơn Mai Thảo một con giáp, cũng vì vậy mà Nguyễn Xuân Hoàng hết đỗi ngạc nhiên khi thấy Mai Thảo gọi Vũ Hoàng Chương là “mày”. 

Hình 2: Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương. Nguồn: báo Văn, số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo tháng 2, 1998

Qua lời thuật của Nguyễn Hưng Quốc, hãy nghe Mai Thảo nói về Vũ Hoàng Chương bạn mình ra sao: “Con người anh ấy lạ lắm. Đúng là một thi sĩ. Mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác như trẻ con. Mà nói chuyện về thơ thì hay vô cùng. Ai cũng là thằng hết. Lý Bạch là thằng. Nguyễn Du là thằng. Một người yêu thơ, thuộc thơ nhiều vô cùng tận.”

Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936, nhỏ hơn Mai Thảo 9 tuổi, cũng vẫn cứ mày tao với Mai Thảo. Để thấy trong sinh hoạt văn học, cùng một lứa bên trời lận đận, họ đã là những bạn văn không biết đếm tuổi.

Căn phòng nhỏ hẹp ngày nóng đêm lạnh ấy là không gian sống và cũng là toà soạn báo Văn của Mai Thảo. Mỗi lần tới thăm anh, tôi vẫn để ý tới chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo kê sát khung cửa sổ thấp nhìn thoáng ra bên ngoài. Rồi tới kệ sách, không có nhiều sách Mai Thảo, chỉ có ít cuốn sách tiếng Pháp, mấy số báo Văn, đôi ba cuốn sách mới bạn văn gửi tặng anh. Mai Thảo giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều sách Pháp; anh cũng tiếp cận với nền văn học Mỹ và rất thích các tác giả Mỹ như Henry Miller, Hemingway, John Steinbeck nhưng là qua những bản dịch Pháp ngữ.

Tôi chú ý tới một cuốn sách tiếng Anh khá nổi bật với bìa đỏ trên kệ sách:  Artists in Exile, American Odyssey  của Jane Katz. Trong cuốn sách ấy, nữ ký giả Jane Katz, đã phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ. Họ đến từ nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Nam Phi, Á Căn Đình, Việt Nam… Nhà văn Mai Thảo được Jane Katz phỏng vấn và giới thiệu như một “thuyền nhân”, tác giả của 42 cuốn sách tiếng Việt, tất cả đều lưu trữ trong thư viện Đại học Cornell. Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ qua thông dịch của anh Nguyễn Thanh Trang, tới từ San Diego, bạn nhà văn Mai Thảo. Tuy là một bài phỏng vấn nhưng không có xen kẽ vào những câu hỏi, nên nội dung như một “tự sự”của Mai Thảo. Jane Katz đã ghi lại cảm tưởng sau cuộc phỏng vấn nhà văn Mai Thảo: “ Ông phát biểu với một nhân cách trầm tĩnh, và với cả sự kiềm chế sau những năm sống cách biệt – He speaks with quiet dignity, and with the restraint which years of privation have taught him.”  (6)

Hình 3: trái, Jacket design by Ted Berstein; Artists in Exile, Jane Katz; Stein & Day Publishers, New York 1983. Phải: chân dung Mai Thảo, photo by Kathryn Oneita, với dòng chữ: ” Khi biển đã lặng thì mọi người bắt đầu cất tiếng ca hát. The sea was calm, and the people began to sing.”

Hình 4: Thủ bút của Jane Katz trên ấn bản đặc biệt tặng nhà văn Mai Thảo

Tôi đã lấy xuống từ kệ sách và mượn anh Mai Thảo cuốn sách với thủ bút của Jane Katz. Tôi lược dịch bài phỏng vấn Mai Thảo và cho phổ biến trên các tạp chí Văn học, và sau này kể cả trên Văn số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo (1) với tên người dịch Tâm Bình. Sau đó, tôi đã đem cuốn sách trả lại trên kệ sách của anh.

Bài phỏng vấn của Jane Katz cũng sẽ đi cùng với bài viết này để tưởng niệm ngày Giỗ thứ 18 của Mai Thảo.

Khi giao tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng năm 1996, cũng là năm đánh dấu sức khoẻ của Mai Thảo bắt đầu suy yếu, anh đi lại khó khăn; tới mức, theo Khánh Trường kể lại, thì một buổi tối khuya về, anh không còn đủ sức leo lên một tầng thang lầu để trở về căn gác trọ thân thuộc trong bấy nhiêu năm. Sau đó Mai Thảo phải dọn xuống một căn phòng khác dưới tầng trệt. Ngay phía lầu trên là căn phòng của hoạ sĩ Khánh Trường. Sức khoẻ Khánh Trường thì cũng không khá gì nhưng đủ sức để chăm sóc anh Mai Thảo khi cần đến. Tín hiệu Mai Thảo gọi Khánh Trường không phải là điện thoại mà thường là một cây gậy gõ gõ lên trần nhà.

Hình 5:  Mai Thảo và hoạ sĩ vỉa hè New York, là biệt danh Mai Thảo gọi Khánh Trường. Nguồn: tư liệu Khánh Trường

Một Khánh Trường giang hồ với Hợp Lưu, một Mai Thảo chính phái với Văn, rất khác nhau cả về tuổi tác và nếp sống nhưng họ lại là một đôi bạn chân tình. Hoạ sĩ Vỉa Hè New York  là biệt danh Mai Thảo gọi Khánh Trường. Cũng như một Cao Xuân Huy lính tráng ban đầu rất “kình” với Mai Thảo nhưng sau đó gần anh, trở nên rất thân quý và thương anh Mai Thảo vô cùng. Trong cuốn sách Chân Dung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam , do nhà sách Văn Khoa xuất bản ở hải ngoại [1985], Mai Thảo đã có những nét cực tả về các bạn văn của mình: một Nhật Tiến vẫn đứng ở ngoài nắng, một nhân cách Bình Nguyên Lộc, một Mặc Đỗ quy ẩn, con đường Dương Nghiễm Mậu, đường gươm Lê Tất Điều, Nhã Ca giữa cơn hồng thuỷ…  (5)

TẠP CHÍ VĂN TRÊN ĐẤT MỸ

Tên tuổi Mai Thảo gắn liền với Tạp chí Sáng Tạo, cho dù Sáng Tạo có một đời sống tương đối ngắn ngủi.

Nhưng báo Văn thì đeo đuổi Mai Thảo lâu dài hơn, từ trong nước trước 1975, ra tới hải ngoại tới 1996.

Báo Văn khởi đầu từ 1964 với thư ký toà soạn Trần Phong Giao kéo dài được 8 năm.  Năm 1972, Văn chuyển qua Nguyễn Xuân Hoàng thay Trần Phong Giao. Năm 1973, Mai Thảo về Văn cùng với Nguyễn Xuân Hoàng trông coi Văn. Năm 1974, Nguyễn Xuân Hoàng rời báo Văn, còn lại Mai Thảo làm tiếp đến 30.4.1975.

Sau hai năm đặt chân tới Mỹ, năm 1982 Mai Thảo cho tục bản tạp chí Văn  và kéo dài được 14 năm. Khó có thể tưởng tượng được rằng một mình Mai Thảo trông tờ Văn, anh không lái xe, anh vẫn thuộc trường phái “viết tay” chỉ dùng cây viết chứ không hề đụng tới chiếc máy chữ hay máy điện toán. Kể cả trên mỗi chiếc phong bì gửi báo cho hàng trăm độc giả dài hạn, anh cũng vẫn cặm cụi viết tay. Có người bạn trẻ muốn giúp anh dùng computer in nhãn để không phí thời gian nhưng anh chối từ. Mai Thảo rất tình cảm, anh muốn có mối tương quan gần gũi với từng độc giả qua nét chữ của chính anh trên từng số báo. Mười bốn năm sống với và sống bằng tờ Văn, anh hào hứng mỗi khi khám phá ra một cây viết tài năng mới. Văn cũng là nơi quy tụ lại những cây viết cựu của miền Nam lưu vong ra hải ngoại. Như một Thảo Trường từng viết cho Sáng Tạo, sau 17 năm tù cộng sản rồi qua Mỹ, các sáng tác đầu tay của Thảo Trường viết ở Mỹ, đều gửi cho Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn.

Khi nói tới tờ Văn, Mai Thảo tâm sự: “từ mấy năm nay làm lại tờ Văn ở Hoa Kỳ, đời sống lữ thứ hàng ngày thấy đỡ thất lạc, bởi lại được thả trôi trở lại với một không khí toà soạn không khí trị sự, tuy đã khác biệt nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó, trên một góc bàn viết, dưới một ánh đèn sáng, cái không khí đã bao năm tôi sống ở quê nhà, tâm trí tôi thường có nhiều hơn những hồi tưởng về báo quán cũ, là 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, ngày trước.”  (5)

Đến năm 1996, sau số báo số 158 &159, do sức khoẻ sa sút, Mai Thảo ban đầu trao tạp chí Văn  lại cho Du Tử Lê, sau một số báo 160, tờ Văn được Mai Thảo chính thức trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục ra tờ Văn  từ số 161 cho đến số 163.

Hình 6: Người khách lữ thứ Mai Thảo Tháng Giêng 1996, bức hình chụp 2 năm trước ngày anh mất. Photo by Nguyễn Bá Khanh

Đầu năm 1997, Nguyễn Xuân Hoàng ra tờ báo Văn  số 1, bộ mới. Kéo dài được 12 năm. Tới năm 2008, tờ Văn  số cuối cùng 125-129 cho ba tháng Giêng, Hai và Ba là số đặc biệt về hoạ sĩ Thái Tuấn với bài vở đã layout xong chuẩn bị đưa nhà in, nhưng rồi vì lý do tài chánh Nguyễn Xuân Hoàng đành cho đình bản tờ Văn , cho dù báo Văn vẫn bán được, tuy không đem lại lợi nhuận nhưng không thể để một món nợ lớn đến như vậy với nhà in Kim Select Graphics & Printing trên đường Euclid, mà sau này vợ chồng Nguyễn Xuân Hoàng phải gồng mình gánh trả.

Lý do sâu xa mà không ai muốn nói ra, khi tờ Văn của Nguyễn Xuân Hoàng đình bản, cũng như nhà xuất bản Văn Nghệ của anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết phải ngưng hoạt động vì sách báo thì vẫn bán được nhưng lại không được các nhà sách sốt sắng thánh toán tiền bạc.

Hình 7: từ trái, Mai Thảo, Kiều Loan (con gái Hoàng Cầm), Nguyễn Xuân Hoàng; 1996 cũng là năm Mai Thảo trao tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng. Nguồn: tư liệu Nguyễn Xuân Hoàng

TẤM LÒNG TỪ BI MAI THẢO

Mai Thảo được mọi người biết tới như một nhà văn, một cây viết tuỳ bút nổi tiếng và sau này là một nhà thơ. Quen biết anh, người ta càng thấy mến con người Mai Thảo hơn. Tấm lòng của Mai Thảo với tha nhân thật đẹp. Anh tốt với mọi người và rất trực tính, nói thẳng trước mặt với người trái ý anh, kể cả lớn tiếng và giận dữ nhưng sau đó thì quên đi, anh không bao giờ để tâm. Trong suốt cuộc đời viết văn, chưa bao giờ Mai Thảo dùng ngòi bút để nói xấu hay chửi bới ai, cho dù không thiếu những bài viết chỉ trích anh nặng nề, có lẽ anh không đọc và cũng không bao giờ trả lời.

Nguyễn Đăng Khánh, người em ruột Mai Thảo viết về anh mình: “nhiều lần đọc báo thấy người ta mạt sát anh thậm tệ, tôi nóng ruột tới hỏi anh: Tại sao người ta chỉ trích anh nặng nề như thế mà anh không lên tiếng? Anh nói: Sống với người, với đời, phải có lòng. Tấm lòng ở đây là la bonté. Con người không có la bonté là vứt đi. Phải sống thành thật với người, với đời. Vì thế nên tôi không bao giờ dùng ngòi bút của tôi để phê phán, chỉ trích hay nói một điều xấu về ai hoặc để trả lời lại những kẻ mạt sát tôi. Người ta muốn chỉ trích, muốn nói xấu tôi, cứ nói. Khánh thấy người ta chỉ trích tôi trên báo chí vì họ muốn độc giả thấy tên họ đứng trên cùng một trang báo với Mai Thảo. Họ thích như vậy, cứ để cho họ làm, tôi sẽ không bao giờ viết lại.”  (3)

Trước đó khá lâu, năm 1989 Mai Thảo cũng có một phát biểu tương tự khi gặp Nguyễn Hưng Quốc ở Paris: “Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. Đâu phải tôi không biết người nào tốt người nào xấu với mình, nhưng tốt hay xấu mặc họ. Người nào tốt, đến gần, uống rượu chơi. Người nào xấu, lánh ra thật xa, đừng thèm đụng tới. Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp. ” (4)

Trong bài báo đăng trên Saigon Times “Một Vài Kỷ Niệm với Nhà Văn Mai Thảo” viết vào khoảng cuối năm 1997, khi nhà thơ Thái Tú Hạp vào thăm Mai Thảo tại bệnh viện Fountain Valley. Thái Tú Hạp đã xúc động nhớ lại một câu nói tâm tình của Mai Thảo khi anh còn khoẻ và thường tới quán Doanh Doanh ở cuối con đường Sunset, một quán ăn gia đình rất văn nghệ của vợ chồng Thái Tú Hạp-Ái Cầm có nhạc cổ điển có treo cả một bức tranh sơn dầu lớn của Nguyên Khai: “Tôi bảo với Hạp một điều, trong đời sống có thể chúng ta không yêu  người này, không thích người kia, xỉ vả nhau thẳng thừng trực diện một trận rồi thôi.  Bỏ! Đừng lôi nhau lên báo, kỳ lắm. Cõi văn chương hãy để cho nó trong sáng. Hãy xử dụng ngòi bút mình một cách ngay thẳng, tử tế đối với mọi người…”

Trong cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng 6 năm 2008, mười năm sau khi Mai Thảo mất, câu hỏi cuối cùng của Thuỵ Khuê với Trần Vũ, “Anh muốn nói điều gì nữa về Mai Thảo? Trần Vũ nhớ lại: lúc sinh tiền, Mai Thảo thường nhắc: «Em không dụng chữ cho mục đích phi văn chương. Không chửi ai cả. Văn chương không phải là chỗ cho em bựa. Em không được quyền.» Những khi cáu, ông gắt um. Không phải một lần, mà nhiều lần, lời khuyên, mệnh lệnh. Bây giờ Mai Thảo mất rồi, tôi cũng không còn trẻ nữa, nhưng những khi nghĩ đến ông, tôi lại nhớ đến lời dặn này. Hôm qua, bây giờ, tôi vẫn giữ tròn lời hứa với trưởng thượng của mình.”

Cả một đời sống với chữ nghĩa, vẫn cứ mãi là một Mai Thảo nhất quán, luôn luôn là người bảo vệ sự trong sáng và thanh thoát của cõi văn chương. Không tu hành nhưng Mai Thảo sẵn có một tâm Phật.

Rồi chợt nhớ tới hai câu trong bài thơ Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại  trong tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền của Mai Thảo:

Tâm em là Bụt tâm anh Phật

trên mỗi tâm ngồi một nhánh hương

NHỮNG NGÀY THÁNG NẰM VIỆN

Trao lại tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng rồi, chẳng bao lâu sau đó, sức khỏe Mai Thảo mau chóng suy kiệt, có lúc anh đã không còn đủ sức ra khỏi căn buồng trong khu chung cư cho dù anh đã dọn xuống tầng trệt. Nỗi cô đơn và dấu hiệu bệnh tật thật sự đã có từ mấy năm trước khiến Mai Thảo đã làm bài thơ “Dỗ bệnh”:

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện

Ta lại cùng cơ thể chuyện trò

Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn

Nó nghĩ sao rồi nó lại cho

Bệnh ở trong người thành bệnh bạn

Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân

Gối tay lên bệnh nằm thanh thản

Thành một đôi ta rất đá vàng

Khi không còn “dỗ bệnh” được nữa, là tới lúc Mai Thảo phải rời chiếc bàn viết lữ thứ, rời căn phòng phía sau nhà hàng Song Long để luân phiên vào các bệnh viện Fountain Valley Orange County, Good Samaritan Los Angeles và rồi Barlow Hospital và anh đã chẳng có dịp trở lại chốn cũ.

Hình 8: khu chung cư cao niên Bolsa phía sau nhà hàng Song Long; căn phòng 209, địa chỉ báo Văn và bàn viết lữ thứ của Mai Thảo. Photo by Ngô Thế Vinh.

Good Samaritan là bệnh viện tôi tới thăm anh. Nơi đây tôi gặp Nguyễn Phúc Vĩnh Khiêm, người bác sĩ trẻ chuyên khoa tim mạch đang trực tiếp chăm sóc anh. Khiêm từ bé học trường Pháp rồi lớn lên học y khoa ở Mỹ nên không biết gì về văn chương Mai Thảo, nhưng qua thân phụ, Khiêm được biết mình đang được chăm sóc một người bệnh tên Nguyễn Đăng Quý, là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng với bút danh Mai Thảo.

Cũng tại bệnh viện Good Samaritan này, Khiêm đã thông tim cho Thượng toạ Thích Mãn Giác tức thi sĩ Huyền Không, Khiêm cũng là thành viên trong toán mổ tim lần thứ hai cho nhà văn Võ Phiến. Vì cùng trong lãnh vực chuyên môn, tôi có nhiều dịp trao đổi với Khiêm về tình trạng sức khoẻ anh Mai Thảo. Về hô hấp anh cần dưỡng khí qua ống thở, về dinh dưỡng do không ăn được anh được nuôi bằng chất thực phẩm lỏng bơm qua một G-tube vào dạ dày. Thời gian này sự sống của anh phụ thuộc vào máy móc và toán chăm sóc đặc biệt. Sau một thời gian nằm qua các bệnh viện, sức khỏe Mai Thảo ổn định nhưng hồi phục thì rất chậm do tổng trạng quá yếu, hậu quả của nhiều năm uống rượu mà không ăn và hút thuốc nên bị suy dinh dưỡng trầm trọng và cả suy hô hấp.

Hình 9: tập thơ thứ nhất Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền; hình bìa Trần Cao Lĩnh, Nxb Văn Khoa 1989; và thủ bút Mai Thảo. Ảnh: tư liệu Ngô Thế Vinh

Nguyễn Mộng Giác khi cùng với hai chị Bùi Bích Hà và Trần thị Lai Hồng khi vào thăm Mai Thảo tại bệnh viện Barlow Los Angeles, bằng trực giác của một nhà văn anh đã có ý nghĩ: “dù không có kiến thức y khoa, chúng tôi đều cảm thấy anh Mai Thảo đang đi trên con đường một chiều, không có cơ may nào quay trở lại đời sống bình thường như trước.” (1) 

Sau khi ra khỏi được ống thở, không còn cần thiết phải nằm trong một bệnh viện “acute care”  Mai Thảo được chuyển về một khu chăm sóc Phục Hồi Quận Cam. Anh không mắc một căn bệnh nan y nào, dù uống rượu bấy nhiêu năm anh vẫn có một lá gan bằng sắt nhưng Mai Thảo thì cứ như một thân cây khô héo dần cho tới ngày 10 tháng Giêng năm 1998 thì anh mất.

Nhớ lại khi Mai Thảo vừa mất, Đỗ Ngọc Yến có ý tưởng lập ngay một giải văn chương Mai Thảo. Tôi nói với Yến, trước khi nói tới một giải văn chương mang tên Mai Thảo, việc nên làm ngay là giữ lại chiếc bàn viết lữ thứ của anh ấy, như một nét văn hoá của Little Saigon.

Sau khi anh mất, cả không gian sống của Mai Thảo, cuối cùng được người em trai là anh Nguyễn Đăng Khánh đến thu dọn, tất cả chỉ đủ xếp vào mấy chiếc thùng giấy. Và đã không còn đâu dấu vết chiếc bàn viết lữ thứ của một nhà văn “thuyền nhân” lưu vong có tên Mai Thảo.

Người Việt phiêu bạt từ khắp năm châu, khi hành hương tới thủ đô tỵ nạn không lẽ chỉ để thấy một khu Phước Lộc Thọ, chỉ có một tiệm sách Văn Khoa thì nay cũng không còn nữa. Một người bạn cùng gia đình và đàn con thế hệ thứ hai đến từ xứ tuyết Toronto, nhận định là tới Little Saigon không lẽ chỉ để dẫn chúng nó vào những tiệm phở, ngắm bảng hiệu mấy văn phòng bác sĩ hay luật sư. Anh ấy muốn nói tới một Công Viên Văn Hoá Việt Nam .

JANE KATZ PHỎNG VẤN MAI THẢO

Và sau đây là bản lược dịch của người viết từ nguyên bản tiếng Anh, “Những Nghệ sĩ Lưu vong, Hành trình tới Mỹ Quốc” trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983.  (6)

Tôi sinh năm 1930* tại tỉnh Nam Định, Bắc Việt Nam. Cha tôi là một điền chủ thành đạt, ông được dân làng kính trọng. Ông là chủ gia đình, mẹ tôi thì ở nhà với những người giúp việc. Tôi và các anh em tôi đều rất tuân phục cha tôi.

Sau khi có người Tây phương xâm nhập, đã có tình trạng bất hòa giữa thế hệ trẻ và già. Nhưng những người ngoại quốc ấy đã không thể phá vỡ nền tảng gia đình của đất nước chúng tôi. Đó là một trật tự lâu đời không ai có thể hủy hoại.

Cha tôi quản lý các trang trại. Ông giàu có nên không để chúng tôi làm công việc đồng áng. Tôi phải tới trường đi học, nhưng sau lớp học thì tôi lại rong chơi ngoài đồng ruộng. Với những con trâu kéo cày trên những thửa ruộng nơi châu thổ sông Hồng. Đồng cỏ thì phì nhiêu và xanh tươi. Một số người trong làng thì làm công cho cha tôi, một số khác có ruộng đất riêng của họ.

Dân tộc tôi yêu đất đai, họ tin rằng có hương hồn tổ tiên trong đó. Mọi gia đình đều làm việc ngoài đồng áng, không có ai phải đói kém.

Khi tôi được 10 tuổi thì cha tôi bị mất hết ruộng vườn. Gia đình tôi phải rời về Hà Nội. Thật là khó khăn cho cha tôi phải rời bỏ đất đai của tổ tiên và làng mạc. Trong làng ông quen biết mọi người. Ông đã có một căn cước ở đó mà ông không thể tìm thấy lại nơi thành phố.

Ở Hà Nội, tôi được thấy thành quách và những ngôi chùa cổ qua các triều đại từ những thế kỷ thứ 8 và thứ 10. Một ngôi chùa có tên Ngọc Sơn, một ngôi đền khác có tên là Quan Thánh. Trung tâm thành phố là một hồ lớn, nơi mọi người gặp nhau sau một ngày dài làm việc. Vào mùa hè thì chúng tôi đi biển.

Cho dù sống ở đô thị, chúng tôi vẫn giữ các tập tục cổ truyền như kính trọng người già, tưởng niệm các ngày lễ theo truyền thống.

Tinh thần quốc gia là một phần của truyền thống Việt Nam. Trong một ngàn năm, người Việt bị người Tàu đô hộ, với ảnh hưởng trên nền giáo dục và tư tưởng nhưng người Việt chưa bao giờ bị hoàn toàn khuất phục. Rồi tới thế kỷ 19, khi người Pháp đánh chiếm nhiều tỉnh của Việt Nam, thiết lập nền hành chính đô hộ, mở trường học và các cơ sở dân sự điạ phương.

Năm 16 tuổi, tôi gia nhập phong trào kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi tổ chức những chương trình ca nhạc kịch trong các làng xóm để khích động lòng yêu nước. Chúng tôi viết những câu chuyện về lịch sử và khát vọng tự do. Tôi đã từ bỏ kháng chiến 4 năm sau đó khi biết được Cộng sản đã xử dụng phong trào kháng chiến để phá vỡ trật tự xã hội cổ truyền và cổ võ cho đấu tranh giai cấp.

Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt năm 1954 và đất nước bị phân đôi. Gia đình chúng tôi di cư vào Sài Gòn. Đó là một hình thức phản kháng những người Cộng sản. Cha tôi không tin họ và họ cũng không tin cha tôi. Dưới thống trị của Cộng sản, dân chúng hết quan tâm về nghệ thuật. Làm sao có thể vẽ tranh khi mà thường ngày phải lo từng miếng ăn? Trí thức thì bị khống chế và thường bị cưỡng bức vào quân đội.

Từ năm 1958, khởi sự có đối đầu công khai giữa hai miền Việt Nam: miền Bắc là chế độ Cộng sản hậu thuẫn bởi Trung Cộng và Liên Xô và miền Nam không Cộng sản hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Thường xuyên có chiến dịch tuyên truyền của cả đôi bên. Miền Bắc thì rêu rao là đang giải phóng miền Nam chống lại đế quốc Mỹ, còn chính phủ miền Nam thì đang chống lại sự thống trị của Trung Cộng và Liên Xô. Cộng sản thực hiện cuộc chiến du kích ẩn náu trong rừng sâu. Máy bay Mỹ thì rải chất độc khai quang để bắt địch quân phải lộ diện. Họ cũng đã gây nhiễm độc cho rừng núi, cây cối, xúc vật và nguồn thực phẩm.

Trí nhớ của tôi về những năm chiến tranh còn rất sống động. Tôi vẫn còn thấy được những căn nhà bị đánh bom, cây cối thì cháy lá và trơ cành, một ngôi đền cổ bị bốc cháy, những trẻ con bụng ỏng, mất mắt hay cụt chân, bà cụ già không nhà cửa thì đi lang thang như người mất hồn…

Tôi viết văn từ năm 1950. Ở xứ sở tôi, nhà văn nhà giáo rất được kính trọng. Sách của tôi được các công ty nhỏ tư nhân xuất bản ở miền nam Việt Nam, rất phổ biến, một số sách đã trở thành “best-sellers” nhưng để sống bằng nghề cầm bút rất khó. Tôi viết rất nhiều truyện và tiểu thuyết. Chúng tôi không có nhiều dịch giả, các sách của tôi không được dịch ra ngoại ngữ. Tôi cũng làm chủ bút một vài tờ báo và tập san văn chương.

Tôi có đọc các nhà văn Mỹ mà tôi rất thích như: Henry Miller, Hemingway, John Steinbeck – qua những bản dịch tiếng Pháp. Các tác giả này không ảnh hưởng tới văn phong của tôi. Nền văn học của chúng tôi rất khác. Chúng tôi có truyền thống văn học riêng từ ngàn năm. Nền văn học của chúng tôi rất quy cách, với mục đích: thăng tiến xã hội.

Có một truyện ngắn tôi đã viết và ưa thích có tựa đề là “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” . Một người đàn ông và một người đàn bà chung sống trong một căn nhà nhỏ bên suối. Người đàn bà thì không hiểu tại sao người đàn ông đã bỏ đi. Hành trình của người đàn ông là leo lên tới đỉnh cao nhất của một ngọn núi Phương Đông. Ông muốn biết ngọn núi ấy cao bao nhiêu; ông đi tìm kiếm một chân lý tuyệt đối và hạnh phúc. Khi tới được đỉnh cao nhất của ngọn núi thì ông ta tuyệt vọng vì ý thức được rằng chân lý tuyệt đối thì không bao giờ có thể đạt được. Người đàn bà đi tìm kiếm và thấy xác người đàn ông nằm bên bờ suối. Không ai biết người đàn ông đã chết như thế nào. Người đàn bà đưa xác người đàn ông về làng và tự hỏi tại sao người đàn ông chết. Và cuối cùng người đàn bà nghiệm ra rằng trên đường đi tìm chân lý, người đàn ông đã chọn cái chết.

Như một nhà văn, tôi đề cập tới vấn đề nhân sinh; tôi không có ý đi tìm một giải pháp. Đa số các sách và truyện của tôi dựa trên kinh nghiệm bản thân hay của những người mà tôi quen biết. Sự kiện ghi nhớ trộn lẫn với hư cấu. Văn phong – style, là điều quan trọng.

Người Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Do các bài viết chống cộng trước đó, tôi bị liệt kê trong sổ đen những nhà văn có nguy hại cho chế độ. Hầu hết các nhà văn có tên trong danh sách ấy đều bị bắt đi tù, nhiều người bị chết trong tù vì thiếu ăn, thiếu thuốc men.

Tôi thì may mắn hơn, được dân chúng chăm sóc và che chở. Không có tình thương yêu của họ tôi đã không thể sống còn ở Việt Nam.

Cộng sản ra thông báo là bất cứ ai tán trợ những nhà văn có tên trong sổ đen sẽ bị bắt giữ. Hệ thống an ninh của họ rất chu đáo. Họ chỉ định những người hàng xóm canh chừng nhau và báo cáo lên chính quyền địa phương. Nhưng vẫn có nhiều người liều mạng để che chở cho tôi. Họ che dấu tôi trong 8 căn nhà khác nhau trong vòng hai năm trời. Tôi sống trong hầm tối vì bất cứ ánh sáng hay sinh hoạt nào bị hàng xóm phát hiện sẽ gây hiểm nguy cho gia chủ. Phải là những căn nhà không có trẻ em vì các gia đình luôn luôn dạy con em không được nói dối. Cộng sản đã lục soát một số nhà nhưng không hiệu quả, và họ đã không tìm ra tôi.

Tôi sống như một con vật trong bóng tối, ẩn mình trong suốt hai năm. Có những đêm hoàn toàn mất ngủ, những ngày giống nhau buồn chán. Một người bạn đem đến cho tôi cỗ mạt chược và tôi chơi cùng một lúc ở cả hai phe. Đôi khi quá tuyệt vọng, tôi phải tìm cách ra ngoài, một cách bí mật trong bóng đêm. Đôi khi tôi không thể tưởng tượng rằng mình đã phải sống trong những điều kiện như vậy. Có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng, và tưởng tượng rằng sẽ có một giấc ngủ dài và không trở dậy nữa. Nhưng người Việt có thói quen chịu đựng và vượt qua. Tôi sâu sắc cảm thấy nhà văn là thuộc xã hội và quần chúng mà họ đang sống với. Với những người đã cùng nhau hợp tác cứu sống tôi, tôi thấy mình phải can đảm để xứng đáng với sự trợ giúp mà tôi đã nhận.

Tôi không phải là Phật tử cho dù gia đình tôi theo Phật giáo. Nhưng là một nhà văn và là một người suy tưởng, tôi phải nhìn lại đời sống mình và cố gắng tìm ra những ý nghĩa. Trong nhiều giờ mỗi ngày tôi đã tịnh tâm và suy niệm. Đặc biệt trong hoàn cảnh như vậy, người ta phải đi tìm sự thật và ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đã có cơ hội đó. Tôi tin rằng mỗi chúng ta có một thượng đế trong chính mình. Một người có thể tự cứu rỗi đời sống chính mình qua những hành động và suy nghĩ. Sự tỉnh thức này luôn luôn có ở trong tôi.

Vào cuối năm 1977, có các tổ chức tư nhân giúp người vượt biên. Họ liên lạc với tôi và bảo tôi cứ chờ ở nơi đang ẩn lánh. Tôi hiểu rằng đào thoát là một dịch vụ tốn kém mà tôi thì không có một xu. Tôi không có cách nào liên lạc với gia đình mà không gây nguy hiểm cho họ. Tôi chờ đợi. Vào một đêm tối trời, một người mặc áo đen đi xe Honda, đậu dưới một gốc cây sau căn nhà, hướng dẫn tôi ngồi lên xe gắn máy và lặng lẽ chạy ra hướng bờ sông Sài Gòn, nơi có một chiếc thuyền đánh cá nhỏ đang chờ. Tôi được bảo nên chèo ghe, giả bộ như một ngư dân. Sau 2 hoặc 3 giờ đồng hồ, tôi lại được chuyển sang một thuyền máy trên biển. Bây giờ thì người đàn bà chủ tàu bảo tôi có thể hút thuốc. Tôi nhìn một lần chót thành phố Sài Gòn và bật khóc vì hiểu rằng tôi chẳng còn bao giờ thấy lại nữa. Người dân miền Nam, hết sức gắn bó với một thành phố mang tên Sài Gòn. Tôi có cảm tưởng đã quay lưng lại với di sản của chính mình.

Trên biển cả, tôi có cảm giác được phóng thả. Tôi đã là một con người tự do.

Đó là một đêm tối đen không trăng. Chúng tôi ra được biển khơi nhưng nhưng lại có một cơn bão thổi tới từ Phi Luật Tân, vật vã con tàu nhỏ, bắt buộc chúng tôi phải trở lại bờ. Tôi trở lại nơi ẩn náu. Vài ngày sau đó, tôi được tin cha tôi chết ở tuổi 82. Đối với tập tục Á Đông, một đứa con phải về chịu tang lễ của bố mẹ hoặc mang trong tội bất hiếu. Nhưng các anh tôi khuyên tôi không nên về nhà vì đang bị theo dõi và tôi có thể bị bắt. May mắn là tôi đã bí mật tới thăm được mộ cha tôi, đọc lời cầu nguyện tỏ lòng tưởng nhớ và điều ấy đã làm dịu nỗi đau.

Rồi có chiếc xe gắn máy khác tới trong đêm tối. Chuyến đào thoát thứ hai nguy hiểm hơn lần trước. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ đưa tôi tới một chiếc chòi, tôi phải núp ở đó suốt 2 ngày trong vùng xình lầy có cây che khuất. Cuối cùng thì một chiếc ghe tới đưa tôi ra khơi và trong đêm tối, tôi được chuyển qua một chiếc tàu đánh cá lớn hơn. Bất chợt, có một tín hiệu đèn và không tiếng động. Một toan tính kỹ lưỡng và cả nhiều may mắn. Tôi bước lên một con tàu sức chứa 20 người nhưng số người lên tàu là 58. Chúng tôi phải rất tiết kiệm nước và gạo vì không có chỗ chứa. Mọi người ăn uống rất ít và không có ai chết.

Hình 10: nhà văn thuyền nhân Mai Thảo đến bến bờ tự do Pulau Besar,

Mã-lai 12.1977. Nguồn: internet

Trên tàu gồm những người tỵ nạn chính trị, sinh viên học sinh, người già, các gia đình với trẻ thơ. Chúng tôi trải qua 6 ngày đêm. Mọi người đều đói và khát, một số ngã bệnh. Khi chúng tôi tới gần Mã Lai, biển lặng, trời trong, và mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Họ yêu cầu tôi ngâm một bài thơ. Tôi đọc bài thơ của một người bạn nói về một người đàn ông rời nhà ra đi mà không có một ai tới nói lời giã từ.

Tới Mã Lai nhưng họ không muốn tiếp nhận chúng tôi. Các giới chức tỏ vẻ không thân thiện, do đã có quá nhiều tàu tỵ nạn tới đây. Là một quốc gia nghèo, họ không thể cưu mang tất cả. Mỗi lần chúng tôi cố cập bến, họ đẩy chúng tôi ra xa. Cuối cùng, một ngư phủ Mã Lai ra dấu cho chúng tôi; họ bảo cứ ủi tàu vào bãi, nếu tàu bị vỡ hư hại thì họ phải nhận chúng tôi. Chúng tôi đã làm như vậy và có hiệu quả. Con tàu chở chúng tôi bị vỡ. Chúng tôi giúp trẻ em, người già bệnh hoạn lên bờ. Viên chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc tới gặp chúng tôi, tặng tiền để chúng tôi mua thực phẩm. Món hàng đầu tiên mà tôi mua là một bao thuốc lá. Họ đưa chúng tôi tới trại tỵ nạn. Trại rất đông nhưng có đủ thực phẩm và lều trú và chúng tôi thì tự do. Chúng tôi không bị giam hãm trong trại. Tôi bắt đầu yêu mến người dân Mã Lai. Trong trại có đài phát thanh và tôi được yêu cầu viết bài và đọc cho chương trình. Tôi cũng giữ chức chủ tịch trại.

Tôi tới Mỹ vì đã có hai em tôi ở đó, và tôi cũng có quen biết với số nhà văn Việt Nam tới trước. Bây giờ tôi đang viết về kinh nghiệm của chính mình. Tôi hy vọng các tiểu thuyết của tôi được dịch sang tiếng Anh. Tôi cũng đang vận động trả tự do cho các văn nghệ sĩ còn bị cầm tù ở Việt Nam. Tôi e rằng nền văn học nghệ thuật của chúng tôi sẽ bị tiêu vong.

Tôi gửi tiền về cho mẹ tôi. Tôi mong bà sẽ sang đây nhưng bà thì không muốn là gánh nặng cho các con ở Mỹ. Và bà cũng không muốn chết ở một nơi xa quê nhà.

Tôi muốn nói với với thế giới rằng hai mươi năm chiến tranh đã tàn phá đất nước tôi. Nhà cửa đường xá có thể xây dựng lại, nhưng vẻ đẹp của đất đai và tâm hồn dân chúng thì không. Khi chúng ta đang nói chuyện nơi đây, sự hủy hoại vẫn tiếp diễn dưới chế độ Cộng sản.

Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần  hồn.

Jane Katz, Artists in Exile, American Odyssey  (6)

* Ghi chú của người viết: Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927, chi tiết Mai Thảo sinh năm 1930 trong bài phỏng vấn của Jane Katz có lẽ không chính xác. 

Hình 11: Người muôn năm cũ, từ phải: Thanh Tâm Tuyền 2006, Đinh Cường 2016, Mai Thảo 1998, Ngọc Dũng 2000. Nguồn: tư liệu Đinh Cường

TIỂU SỬ MAI THẢO VÀ TÁC PHẨM

Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, sinh ngày 8/6/1927 tại chợ Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam định rồi Hà nội (học các trường Đỗ Hữu Vị, Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà Nội tản cư về quê chợ Cồn, sau đó Mai Thảo vào Thanh óa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơiH từ Liên khu III, IV đến chiến khu Việt bắc. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương tạp chí Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông báo Văn. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển tới Pulau Besar, Mã lai. Đầu năm 1978, sang định cư tại Hoa-kỳ. Ban đầu cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam trên Seattle và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 anh cho tục bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ngày 10/1/1998 Mai Thảo mất tại Santa Ana, California, thọ 71 tuổi.

TÁC PHẨM

Nhà nghiên cứu và thư viện học Phạm Trọng Lệ, trên báo Văn số Tưởng mộ Mai Thảo tháng 2/1998 đã sưu tầm một thư mục Mai Thảo, trong đó có ghi số trương mục những tác phẩm được lưu trữ tại các thư viện ở Hoa Kỳ, và được Thuỵ Khuê bổ xung phân loại sau đó. (2)

Đoản thiên:

Đêm giã từ Hà-nội (Người Việt, 1955) Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963), Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965), Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966), Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967), Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968), Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969), Tùy bút (1970), Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà-nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970), Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987), Một đêm thứ bẩy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988) Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989), Chân bài thứ năm (Nam Á, Paris, 1990), Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990).

Truyện dài:

Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963), Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác), Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964). Viên đạn đồng chữ nổi (Văn, 1966). Đêm kỳ diệu. Cùng đi một đường (1967). Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968), Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968), Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969), Lối đi dưới lá (1969), Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969), Thời thượng (Côi Sơn, 1970), Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970), Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970), Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970), Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971), Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971), Một ngày của Nhã (1971), Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Sóng ngầm (Hoa biển, 1971), Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972), Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn đình Vượng, 1972), Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972), Gần mười bẩy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972), Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Tình yêu mầu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973), Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973), Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973), Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974), Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974), Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)…

Nhận định, hồi ức:  Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (Văn Khoa, 1985)

Thơ:  Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989).

ĐI THĂM MAI THẢO

Buổi sáng ngày lập đông, nam California vẫn là một ngày nắng đẹp tuy hơi se lạnh. Chúng tôi, anh Từ Mẫn nguyên giám đốc Nxb Lá Bối rồi Văn Nghệ, anh Phạm Phú Minh nguyên chủ bút Thế Kỷ 21 rồi Diễn ĐànThế Kỷ, cùng hẹn nhau đi thăm mộ anh Mai Thảo. Riêng nhà thơ Thành Tôn, người có đầy đủ nhất các tư liệu về Mai Thảo vì bận bất ngờ không đi được.

Hình 12: Mộ chí Mai Thảo với 4 câu thơ trích  từ tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền; trên bia mộ là tờ Văn số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo, tư liệu của Thành Tôn

Hình 13: anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết (phải) và anh Phạm Phú Minh thăm mộ Mai Thảo 04.12.2016 [photo by Ngô Thế Vinh]

Mộ Mai Thảo trong khu vườn Vĩnh Cửu, gần nhà Thuỷ Tạ. Cô nhân viên của Peek Family nhận biết ngay tên nhà văn Mai Thảo, và cho biết thường chỉ có khách phương xa tới thăm. Quanh mộ Mai Thảo cỏ mọc xanh non, riêng tấm bia mộ bằng đá đen trải qua 18 năm vẫn nguyên vẹn với chân dung Mai Thảo và phía dưới có trạm khắc 4 câu thơ từ tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền:

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Đặt mấy nhánh hồng trên mộ chí anh Mai Thảo, cùng với số báo Văn đặc biệt Tưởng Mộ anh, thắp mấy nén nhang với khói hương trầm toả khắp. Thăm anh Mai Thảo và nhớ tới anh với câu thơ Nguyễn Du: Thác là thể phách còn là tinh anh.

NGÔ THẾ VINH

California, 12.2016
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com

xem phim hài 18+

CÀ PHÊ CŨ Tôi thích cà phê ngay từ khi chưa được uống một giọt cà phê nào. Ở nhà, “cụ giáo” của tôi rất nghiêm khắc không cho con cái đụng tới nó, hình như vì một bài viết trong tờ Sélection cho là cà phê có hại. Vì thế, cà phê không được tiến vào qua cái ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Nhưng hồi học năm đầu của trung học, mỗi lần đi học về qua một cửa tiệm trên đường Nhân Vị, Chợ Lớn (bên kia là Cơ Thể Học Viện), tôi đều ngừng lại xem một ông già người Hoa rang cà phê trước cửa nhà ông để hít lấy cái mùi kỳ diệu của những hạt cà phê nâu đen trong cái chảo trên cái bếp than của ông.

Thế rồi chuyện phải đến (?) đã đến : tôi uống lén được ly cà phê đầu tiên cùng với một điếu Bastos xanh hôm đi tập thể dục với một người bạn học lớp đệ lục (năm thứ hai trung học đệ nhất cấp), bạn tôi người tài không đợi tuổi, đã mỗi ngày hút 2 điếu Mélia vàng.

Người Sài Gòn oai hơn người Hà Nội. Ở Hà Nội hồi trước di cư, phải sang lắm mới biết uống cà phê. Nhưng ở Sài Gòn, gần như ai ai cũng uống cà phê. Ông xích lô, ông lái taxi, ông thư ký, mấy ông già, đàn ông, đàn bà đủ mọi hạng tuổi đều uống cà phê.  Có một cách uống cà phê mà chỉ ở Sài Gòn mới có, đó là uống ngồi kiểu nước lụt, tức là ngồi chồm hổm, cà phê được đổ ra cái đĩa và… húp xì xụp. Cảnh uống cà phê như thế trông không quí phái lắm nhưng cách uống đó rất có lý: buổi sáng trời lạnh, ngồi co ro như vậy cho ấm. Ly cà phê nóng đổ ra đĩa sẽ nguội đi, dễ uống hơn.

Mãi đến năm học thi Tú Tài 1 thì chuyện uống cà phê (lén) của tôi mới là chuyện thường xuyên. Mỗi ly cà phê bít tất hồi ấy có 2 đồng bạc. Gần như hôm nào tôi cũng đến một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ Tân Định để uống cà phê với Đinh Ngọc Mô (người phụ trách chương trình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu bộ Giáo Dục sau này) và cũng để ngắm cô hàng cà phê tên là Y. (ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi ).

Cà phê trở thành một phần của đời sống của tôi từ đó. Sau trung học, tôi đi học xa khỏi Việt Nam và cà phê càng không rời tôi mặc dù cà phê ở ngoài Việt Nam không thể nào ngon bằng cà phê phin Việt Nam, thua xa những ly cà phê đầu đường xó chợ mà tôi uống ở Sài Gòn hồi học trung học.

Sau mấy năm, về lại Sài Gòn, tôi lại trở về với cà phê Sài Gòn nhưng chuyện cà phê của tôi có đổi khác. Không còn là học sinh… nghèo nữa.  Chúng tôi thay đổi phần nào nơi uống cà phê. Chỗ chúng tôi hay ngồi là quán Cái Chùa, tên thật là La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Đó là chỗ để ngồi đấu hót thì đúng hơn, để gặp bạn, đủ các thứ bạn, còn cà phê thì nói cho ngay, không đáng kể lắm nếu không nói là dở. Chúng tôi đến đó là vì những lý do khác. Cũng như thế, cà phê ở Givral, Brodard và Continental… đều không có gì đáng nói. Những nơi như thế chỉ để ngồi chứ không vì cà phê.

Chính những tiệm cà phê không tên tuổi, không bảng hiệu lại là những nơi có cà phê ngon nhất. Hai nơi chúng tôi hay tới đều ở trong hai con đường nhỏ, một ở khu Bàn Cờ và một ở Tân Định. Ở trong con hẻm từ đường Cao Thắng rẽ vào, là căn nhà nhỏ của gia đình cụ Phong mà chúng tôi vẫn gọi là cà phê Phong. Tiệm không có bàn, chỉ có mấy cái ghế thấp, khách khứa bao giờ cũng chỉ năm, sáu người. Cà phê phin của cụ rất ngon. Chủ tiệm bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế xích đu. Khi có khách gọi cà phê thì ông cụ gọi vọng vào nhà trong, và cũng chẳng buồn đứng dậy. Ông cụ ngồi xích đu nghe lỏm đủ các thứ chuyện của khách, thỉnh thoảng góp vài câu với khách thường bằng câu “Cậu không bằng tôi…” bất kể khách nói gì, làm gì. Thỉnh thoảng có một người khách rất đặc biệt ghé vào, trong cả những buổi tối mưa ướt lướt thướt, gọi một ly cà phê đen không đường,  không sữa ngồi uống một mình, uống xong lại lặng lẽ ra về trong mưa, hệt như bài Déjeuner du Matin   của Jacques Prévert:

…Il s’est levé

Il a mis

Son chapeau sur sa tête

Il a mis son manteau de pluie

Parce qu’il pleuvait

Et il est parti

Sous la pluie

Sans une parole

Sans me regarder…  (1)

Đó là ông Đinh Hùng. Tôi chưa kịp làm quen để chào ông một câu thì ông qua đời. Năm ấy là năm 1967.

Tiệm cà phê kia nằm trên đường Lý Văn Phức từ đường Hiền Vương rẽ vào. Chủ nhà là một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Tiệm cũng không bàn ghế như những tiệm cà phê khác. Cũng chỉ vài cái ghế đẩu thấp. Chủ nhà rất tiết kiệm lời nói nhưng bù lại cà phê rất ngon. Chắc chắn còn nhiều người nhớ tên của bà: cà phê Thái Chi.

Trong khi có người uống cà phê với rất nhiều đường, thì cũng có người không uống với đường, vì vị ngọt (quá đáng) có thể làm mất đi mùi cà phê. Tôi uống đủ các thứ cà phê từ cà phê bít tất đến cà phê bột, cà phê dở và nhạt như nước mắt ma của 7-Eleven đến cà phê Ả Rập, cà phê espresso của Ý, của Pháp, cà phê Áo, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ… và cà phê Starbucks…

Nhưng cho tới khi đọc một tùy bút của Võ Phiến tôi mới học được cách gọi cà phê ít sữa  hay cà phê nhiều sữa một cách giản dị và dễ dàng, lại không thể lầm lẫn. Chú phổ ky ở cái tiệm mì nhỏ có cách gọi rất vắn tắt : “một cà phê sữa, một sữa cà phê” là có ngay hai ly cà phê đúng ý của hai ông khách khó tính từ Sài Gòn xuống miền Tây công tác.

Cạnh tiệm phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ có một ông cụ bán cà phê bên một gốc cây to. Cà phê đá của cụ rất ngon tôi thường ghé trong những sáng chủ nhật trước khi lên ngồi cà phê cái chùa.

Bây giờ những ngày không đi làm tôi pha cà phê lấy ở nhà bằng những cái ấm cà phê tôi góp nhặt suốt nhiều năm qua. Cái của Ý, cái của Đức, Áo… thỉnh thoảng thay đổi cho đỡ chán. Nhưng hệt như người ta không bao giờ quên hẳn mối tình đầu, những ly cà phê thời tuổi trẻ vẫn trở lại hoài hoài. Tôi vẫn yêu những ly cà phê uống với những người bạn trung học. Tưởng tượng làm sao có cách nào trở lại với những ly cà phê rẻ tiền mà ngon đến thế.

Nhưng giấc mơ trở lại với những ly cà phê ấy chắc không bao giờ làm được nữa. Tuần qua một bài báo ở Sài Gòn viết về cà phê ở trong nước hiện nay, theo đó cà phê mà người dân Sài Gòn uống hiện nay được làm bằng 30% cà phê, còn 70% là đậu đỏ, đậu xanh pha cùng với một hai thứ hóa chất có nhiều phần độc hại khác cho khách.

Nhớ những ly cà phê ở mấy cái quán bình dân thời ấy biết là bao nhiêu nhưng nay làm thế nào còn tìm thấy được. Có phải lúc ấy đời sống hiền lành và giản dị hơn bây giờ như một câu trong bài Memories   của Barbra Streisand không ?

“…can it be that it was all so simple then…”   (2)

(1)- … Người ấy đứng dậy

Người đặt

Chiếc mũ của người lên đầu

Người mặc vào chiếc áo mưa của người

Vì trời mưa

Và người ra đi

Dưới cơn mưa

Không một lời nói

Không nhìn đến tôi …

(2)-  có thể nào hồi đó mọi cái lại đơn giản đến thế….  (theo  Bùi Bảo Trúc)
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com

‘LINH BACARDI’: … thơ tiết ra từ lỗ chân lông ” — source: www.tienve.org/ xem phim hài 18+

lynh bacardi : ” thơ tiết ra từ lỗ chân lông …” / trả lời phỏng vấn tienve.org/

t ựa chính, ‘xin đừng thổi còi tôi quá sớm’

http://www.tienve.org/

                                                             l yn h b ac ar di :

                              ”  … t hơ  tô i t iế t r a t ừ l ỗ c hâ n l ôn g … ”

                                                  trả lời phỏng vấn  www. tienve.org

                                                lynh bacardi      [i.e .phạm thị thùy linh 1981-  ]

                                               real name Phạm thị Thùy Linh, is a a poet and fiction

                                                                writer . Se was born in Saigon , where she still lives.

                                                                A 5th grade drop out, she was worked as an itinerant

                                                                vendor of cakes and lottery tickets, and is now a typist

                                                                and a translator of children’s literature. She has published

                                                                poems in several leading Vietnamese literary journals and

                                                                webziness.   Translated into English by Linh Đinh , her

                                                                works   have also appeared in Tinfish  and Nhà Magazine.

                                                                 Linh Đinh started this entry  (VNLP/ Vietnamese  Literature Project)

Hỏi :   tên khai sinh  Nguyễn  thị  thùy Linh  * , còn tên bút danh Lynh Bacardi. Nó có ý nghĩa gì?

*  – có bản khác, chép : ‘ Phạm  thị Thùy Linh’;  cũng như Lynh Bacardi sinh ở  Saigon  , chứ không phài là  Dalat  . 

     – ‘Hỏi’+’Trả lời’  ,   do người biên tập thêm.    (Bt)

Trả lời :  Lynh là tên nhà thơ Thận Nhiên, bạn trai của tôi; ghép với tên tôi.  Nghĩa là chữ viết tắt  L inh  y êu  N hiên. Còn Bacardi là tên một loại rượu mạnh, đại khái là ‘Linh yêu Nhiên đậm đà ; mạnh như rượu Bacardi đó mà’.   Cái tên này của tôi bị nhiều người viết lầm, đó là một lỗi nhỏ; nhưng cũng thể cho thấy người viết đã không cẩn thận, không tỏ ra có trách nhiệm với bài viết của mình. Họ làm tôi nghi ngờ tính lương thiện + tính chuyên nghiệp của họ.

Hỏi :  Chị làm thơ từ bao giờ? Chị có chịu ảnh hưởng từ nhà thơ nào không?

Trả lời:  Năm 14 tuổi, tôi có làm thơ gửi báo  Mực tím ; nhưng không được đăng.  Thực sự đến giờ, tôi vẫn phải cảm ơn họ , vì điều đó.  Sau này, tôi chơi với những người bạn làm văn chương; được sống trong một không khí rất nhạy cảm+ đầy rẫy các vấn đề xã hội, qua cái nhìn văn chương của họ.  Tôi ấn tượng với thơ  Phan bá Thọ.  Thọ  có cái nhìn rất riêng với từng vấn đề.  Cách  Thọ  sử dụng ngọn từ để diễn đạt cũng rất mới.  Đọc thơ của  Thọ , có thể nhận ra ngay anh chàng này đang sống trong thế hệ của thông tin chớp nhoáng; mọi giá trị đều được thay đổi liên tục, thú vị. — nhưng thơ  Thọ  vẫn không thiếu một cái nhìn rất con người. Hay; trongt hơ của  Thanh Xuân , có những xáo trộn + bất an của một người trẻ, trước bộ mặt của xã hội. Thơ  Đinh Linh  có con mắt nhìn ngông nghênh.;  [ còn ]  Phan Nhiên Hạo, Đinh Trường Chinh ; thì, tập trung nhiều về hình tượng — và, họ chú trọng trong việc chắt lọc kỹ càng con chữ để diễn đạt các hình tượng đó.  Thơ  Nguyễn quốc Chán h có sự nóng nảy, sốt ruột; trước tình trạng trì trệ của xã hội.  Tất cả những tác giả này; cho tôi thấy văn chương là sự đa dạng, cởi mở, phóng khoáng.  Nó đúng với bản chất kinh khoái của thơ ca; không phải ép buộc nó phải theo duy nhất một hình thức nào.   Qua những tác phẩm những tác giả trên; người ta còn nhận ta thơ : không chỉ năm trong thể loại lục bát, thì mới là thơ nữa; không còn à ơi, cầu tre, chiều tím …  , thì mới là ngôn ngữ thơ.  Thơ Nguyễn quốc Chánh còn giúp tôi hiểu: ‘một nhà thơ không chỉ ru mình hoài trên một thân cây cổ thụ cao chót vót; để nhìn ngắm trời xanh; hay, nằm co trong chăn ấm trong một căn phòng mầu hồng; rồi, tự ca thán’sao cuộc đời cô đơn quá’ .  Mà; nhà thơ phải ra ngoài, hít hơi thở của đời sống.  Sống với nó, trăn trở với nó; và, tranh đấu cho niềm tin, cũng như làm cho mọi người nhận ra sự có mặt của mình một cách tích cực.

Hỏi : Chị nói như đang nói tuyên ngôn?

Trả lời:  Chúng không phải là tuyên ngôn; mà, tôi đang muốn nói ra điều mình nghĩ một cách rốt ráo, khi có cơ hội được nói. 

Hỏi:  Có một nhà thơ đã so sánh về chị, với người khác; như thế này;” Cô Lynh Bacardi học hành không tới đâu, nhưng đã trải qua nhiều nghề, từ nhà hàng, café …” — chị có thể nói rõ hơn điều này, được không ?

Trả lời:    (…)   tại sao nhà thơ kia không nói luôn cho tôi biết ‘học đến cấp bậc, đạt đến trình độ nào thì mới gọi là ‘đã tới đâu’.   Tôi chưa từng làm phục vụ; hay, có tiền để mở một nhà hàng.  Tôi cũng chưa từng làm nhân viên; mà, chỉ từng làm chủ quán café . Có lẽ,  để diễn đạt công việc mở quán café  lương thiện của tôi thành kiểu ác ý như vậy; thì, nhà thơ kia phải nên nói, ” Lynh Bacardi từng là ‘má mì’, chứ không phải là ‘gái’ . “. Tôi nghĩ: việc học hành một cách chính qui, suôn sẻ; là điều may mắn của mọi con người.  …  và cho rằng tiểu sử của tọi trong tập thơ Dự báo phi thời tiết  không được nghiêm chỉnh.  Nhân dịp này, tôi khai báo lại,

” Tôi, Lynh Bacardi, tên thật Phạm thị Thùy Linh, sinh 03-04-1981. Suýt tốt nghiệp lớp 5. Nghề nghiệp: bán báo, bán vé số, bán bánh da lợn, bán hột vịt lộn, bán bánh bao nhân thịt;và, hiện nay nghề nghiệp chính là làm thơ, viết văn, dịch thuật. Tôi đã dịch 12 cuốn sách tâm lý tuổi mới lớn, cho nxb Trẻ bổ sung vào ‘tủ sách dạy làm người’ của Việt nam. Em xin thành thật khai báo ‘nếu có gì sai trái, em xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật’. ”

*    (…)     …  –  tạm lược ít chữ; có thề nhiều; hoặc ít.  (Bt)  

                                                                 trong một chuyến đi Hànội, tác giả  Lynh Bacardi 

                                                                tới phố Đinh Lễ (nơi tập trung bán nhiều sách ‘trong

                                                                luồng, ngoài luồng’)  mua được tuyển tập thơ

                                                                 ‘Dự báo phi thời tiết —  ‘ tác giả là ‘ 5 con đĩ Ngựa’  bán  ‘xôn’  .

                                                                Tuyển tập thơ do họa sĩ Trịnh Cung vẽ bìa, lo xin giấy phép,

                                                               chăm sóc kỹ thuật; sách ra, bị ‘cấm phát hành ‘. 

                                                                                    ảnh : tienve.org/ 

                                                                ‘5 con ngựa trờ i’  tại sao có người nói   ‘5 con dĩ Ngựa’

                                                                               trên xuống, trái qua :

                                                               Khương Hà+ Thanh Xuân+ Lynh Bacardi + Phương Lan

                                                                                    ( Trịnh Cung’ s wife , hiện sống ở Mỹ)  + Nguyệt Phạm ‘   

                                                                                   ( ảnh :  cand.com )

  

Hỏi:  C hị có tham gia vào nhóm  ‘5 con ngựa trời ‘ , tại sao có người nói  ‘5 con đĩ Ngựa ‘? 

Trả lời :  Nhóm thơ này ra đời vào một buổi café ; [ có ]  tôi + 4 cô bạn biết nhau qua thơ văn của nhau, trước khi gặp mặt.  …    Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau, kết thân.  Một bài báo nói đến ‘ những cô gái làm thơ trẻ ở Sài gòn; gọi chúng tôi là  ‘nhóm thơ nữ 8 x của thế hệ @’   . ..  ;   nhưng cái tên @ nghe  ‘sến’ ,  ‘thời trang’ ; và, trong buổi  café  đó… cuối cùng đổi lại cái tên  ‘Ngựa Trời’ . (phương ngữ miền Bắc: ‘bọ Ngựa’  ; miền Nam: ‘ Ngựa Trời’ ) .  Chúng tên thích cái tên +  ‘con ngựa Trời’ .  Nhìn kỹ, bạn sẽ thấy nó rất đẹp, mạnh mẽ. Thậm chí sau khi làm tình xong; nó thấy sảng khoái  [ quá ] , nó sẽ nhai luôn đầu con đực chóng một cách chóng vánh. Còn  ‘đĩ Ngựa’;   ở hoàn cảnh này, nó vừa là danh từ, tính tự.  Và, ‘cái tên này chỉ có những người thân gọi mà thôi’  …  — còn ai nếu cố tình thêm cho nó một nghĩa nào khác;  [ thì ]  mọi người đếu có quyền  bình  (suy)  luận  . 

Hỏi:  Tập thơ in chung  Dự báo phi thời tiết   có phải là một tuyên ngôn của nhóm  ?

Trả lời: Tập  Dự báo phi thời thời tiết  được gửi đi; khi chưa có tên  ‘Ngựa Trời’ , chúng tôi xuất hiện trong  [ tuyển ]  tập thơ này, với tư cách hoàn toàn cá nhân.    Mặc dù đến giờ; có nhiều điều đáng buồn xảy ra  [sách phát hành, bị nxb hội Nhà văn VN (Hànội) phát lệnh cấm  lưu hành].  Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng: ‘sự ra đời tập thơ là một dự báo cho làng văn chương… , sẽ tạo ra không khí mới, kích thích sáng tạo cho những người trẻ khác; và, cũng chính là cho chúng tôi.’   Đậy là một dự báo, một niềm tin mãnh liệt của người làm nghệ thuật.  (…)

Hỏi:  Chị:  một sinh vật có nhiều răng, móng vuốt; và, khi thần kinh bị kích động; thì, ‘ thơ sẽ tiết ra từ lỗ chân lông’,  chị sẽ tiếp tục làm thơ chứ ?

Trả lời : Dĩ nhiên rồi; và, tôi còn đang thử khả năng trong lĩnh vực văn xuôi.  

Hỏi:  cảm ơn Lynh Bacardi.   []

  http://www.tiền vệ org/

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkld=4365

một bài thơ lynh barcadi

                                               bacardi

                                              em ngậm anh

                                              ngậm một lưng cá

                                              buổi chiều đỏ       màu cặn rượu

                                              rời rã      bóng      ướt sương

                                              anh bơi trong em

                                              đêm nuốt chậm chiều

                                              lúc lu mèo tranh nhau xương vụn

                                              tràng tiền đổi màu từng chặp

                                              trắng   xanh    vàng     tím

                                              em trong suốt    đổi màu     trong anh

                                              bụm em trong lòng bàn tay sớm mai

                                              em ướt mềm

                                              căn phòng lầu 6 còn ngái ngủ

                                              gọi tên cõi người bằng một loại rượu mạnh

                                              barcadi   barcadi …

                                              thục tại là cơn dâm mộng đầm đìa thành phố

                                              em ướt mềm

                                              thành phố chưa thức giấc

                                              lăng tẩm đền đài chìm xuống

                                              sông sương      mưa thuyền đò chìm     trôi

                                              thực tại đầm đìa dâm mộng

                                              chìm mất     trrong em

                              lynh bacardi

                                              ————————————————————————————————————–                                                  trích lại từ :   

                                                 http://tuhoatan.blogspot.com/2014/01/cafe-song-cham-mot-ngay-giap-tet-voi,html

                                              —————————————————————————————————————
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com

xem phim hài 18+

ABOUT THE PHONG WRITER bài đăng lại/ bổ túc hình ảnh) — The Phong’s Blog

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

                                       A B O U T  T H E  P H O N G  W R I T E R  …

                                        

The Phong  [i.e. DO MANH TUONG 1932-     ]

( photo by  NGUYEN THI BICH NG A /  Saigon 2009)

                                            ASIAN MORNING WESTERN MUSIC by THE PHONG

                                                  Preface by LLOYD FERNANDO (University of Malaya)

                                               First published by Dai Nam Van Hien Boos, Saigon 1971

                                                       This Edtion: Jan., 2012 – Ho Chi Minh City

“Writer goes in his own way” —   (Saigon  Daily News)

                                   THE PHONG .  Vrai nom DO MANH TUONG … Né en 1932 à Nghia-Lô (Haute …  

                            ( p. 216  INTRODUCTION À LA LITTÉRATURE VIETNAMIENNE par M.M. DURAND & NGUYEN TRAN-HUAN /

                                                           Ed. G.-P. Maisonneuve et Larose, Paris 1969.)

GIẤY CHỨNG NHẬN BẢN QUYỀN  do bộ Thông tin-Văn hóa / CHXHCNVN

                               (Cục Bản quyền Tác giả) cấp cho chủ sở hữu ĐỖ MẠNH TƯỜNG

 ( Thế Phong– Đường Bá Bổn– Đinh Bạch Dân.)

                                                              NẾU ANH CÓ EM LÀ VỢ/ THẾ PHONG

                                                             (Nxb Văn Học tái bản, Hà Nội 1996.)

                                                              HÀ NỘI 40 NĂM XA/ THẾ PHONG

                                              (Chi nhánh Nxb Thanh Niên phía Nam, tp. HCM 2006.)

                                                           NỬA ĐƯỜNG ĐI XUỐNG/ THẾ PHONG

                                             (bản in “lậu”phát  hành ở California/ USA, sau 30/04/ 1975)

                                               THE VIETNAMESE LITERARY SCENE  by THE PHONG

                                                                                   (translated by  DAM XUAN CAN )

                                                         HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG/ THẾ PHONG

                                             (Đồng Văn+ Văn Nghệ (California) xuất bản+ phát hành, 1996.)

                                                          THƯ VIẾT Ở SÀI GÒN/ THẾ PHONG

                                                         (Văn Uyển xuất bản, SanJose/ USA 2000.)

                                                                                …etc

                                                

                                                      Xuan Can DAM  ( Đàm xuân Cận ) [1939-    ]

                                                            

                                                                            poet- translator Xuan Can DAM  

                                                                              now living at Sydney (Australia) 

         

 THEPHONG  author  by MD Nhị KHÊ

Real name  :                          ĐỖ MẠNH TƯỜNG

Pen name :                           THE PHONG

Date and place of birth :       July, 10, 1932 at Yên  Bái  Province,

                                             North Vietnam.

Religion:                                Christian

Family status:                       Married, 5 children.

Education:                            Graduated from High School Hanoi in 1954.

Present position  :                 – Airman  Vietnamese Air Force of Republic of Vietnam

                                                since August 1967 – 1975.

                                             –  Founder of  Dai Nam Van Hien Books  ( paperback)

                                                 in both languages: Vietnamese and English.

                                            –   Novelist, poet, critic,  and translator.

Former  positions :               School teacher, Contributor Văn Hóa Á Châu

                                                 (Asian Culture), Sinh Lực  ( Creative Effort),

                                                 Đời  ( Life )  etc…

Political activities :               None.

Publications:

                                                   Poems:

                                             – If You Were My Wife ( Nếu anh có em là vợ)

                                             –   Asian Morning Western  Western     

                                                      poems by THEPHONG*

                                                (  Sáng Á đông, nhạc Tây phương 

                                                        thơ THẾPHONG)                                 

                                               –  Mai A Crown    ( Vương miện Mai- A ).

                                             –  Of Women and Fatherland ( Đàn  Bà & Tổ Quốc )

                                             –  Myself for Hire   ( Cho thuê bản thân )

                                             –  Under the Poet’s Eyes  ( Trước  mắt nhìn thi sĩ )

                                             –  Vietnam under Fire and Flames  * 

                                                        ( Việtnam vùng trời lửa đạn)

                                             –   South Vietnam, the Baby

                                                      in the Arms of the American nurse*

                                                      ( Nam Việtnam, đứa trẻ thơ của vú em Huê Kỳ ).

                                             –   Dissimilarity   ( Sai biệt )

                                             –   Uplifting Poems  *   ( Thơ làm lớn dậy con người ).

                                                                 Novels and Short Stories:

                                              –    Midway in My Life Journey   ( Nửa đường đi xuống )

                                              –   The Wounded Soldier ( Người thương binh liên khu ) 

                                              –   The Soldier from CASABLANCA

                                                         (Người lính Casablanca)

                                              –   Thủy and T6      ( Thủy  &  T6 )

                                              –   The Adulteress   ( Truyện  người của tình phụ )

                                              –   The Phong ; A Selection from  His Writing

                                                         ( Tuyển truyện Thế Phong )

                                               –  A Highland Lass’s Lover  ( Tình sơn nữ )

                                               –  Waiting for Day of Victory ( Đợi ngày chiến thắng )

                                               –    The Rubbish Outiside The City  * 

                                                    ( Khu rác ngoại thành )

                                               –  The Bald Woman  ( Người đàn bà không tóc )

                                               –   I Was A  American Militiaman *

                                                         ( Tôi đi dân vệ Mỹ )

                                               –   Thephong by Thephong; : 

                                                         The Writer, The Work & The Life *

                                                        ( Thế Phong, Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời  )

                                               –   The Girl from Nghĩa Lộ  ( Cô gái  Nghĩa Lộ ).

                                     NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945 ( tập 1  bộ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VN.)

                                           (ấn bản của Nxb Vàng Son, Saigon / bìa :  Nguyễn trọng Khôi .)

và, đây là ấn bản phát hành “lậu” ở Hoa Kỳ sau 30/4/ 1975

                                  NHẬN DIỆN VÓC DÁNG NGUYỄN ĐỨC QUỲNH/ THẾ PHONG 

                                                       (bìa sách trích lại từ www.sachxua.ne t )

                                                    (Đại Nam Văn Hiến tái bản, Saigon 1964.)

nguyễn đức quỳnh  [1909 — 06/06/1974 saigon]

( ảnh: nguyễn mạnh đan )

                                                                      NIETZSCHE … / THẾ PHONG

                                                              (Đại Nam Văn Hiến tái bản, Saigon 1965)

                                    

                                    

                                 

                                 

                               

                       

                                         THẾ PHONG  dưới mắt   CAO BÁ MIN H

                                       ( gặp tác giả trên đường Phan đăng Lưu/Phú Nhuận– họa sĩ vẽ ngay  trên lề đường,  vào thập niên ’80s. )

                        

                          

                –  trái qua, hàng thứ 2 ,  bìa  THỦY +T6/ tập truyện  ngắn  THẾ PHONG

                  (Đại Nam Văn hiến xuất bản 1968 — bìa  CAO BÁ MINH.)

                       –  trái qua, hàng cuối cùng, ảnh đầu tiên :   họa sĩ   CAO BÁ MINH  –hiện ở Mỹ.) 

   

                   -ảnh dưới : bà HUỲNH THỊ THU THỦY , nhân vật chÍnh truyện ngắn THỦY &T6 , 

 vợ của  nhà  báo Nguyễn Mạnh Cường hiện ở Mỹ.

                ( ảnh: NMCường cung cấp.)

                           

                       T HE ORDEAL OF AN AMERICAN MILITIAMAN  by   THE PHONG

                       (bản tái bản –bản in lần đầu I WAS AN AMERICAN MILITIAMAN .)

                                 (translated by DAM XUAN CAN )– ( Dại Nam Van Hien Books, Saigon.)

                          

                            TÔI ĐI DÂN VỆ MỸ / ĐINH BẠCH DÂN  [Thế Phong]

                           (Đại Nam Văn Hiến xuất bản, Saigon 1967.)

                   

                            TTKH NÀNG LÀ AI?/ THẾ NHẬT  [Thế Phong]

                            

                      

                            HÀN MẶC TỬ+ QUÁCH THOẠI/ cuộc đời rướm máu- nhà thơ siêu thoát

                    (Đại Nam Văn Hiến tái bản, Saigon 1965) — (   bìa sách tích từ  Blog Nhi Linh .)

                            

                            HÀN MẶC TỬ- NHÀ THƠ SIÊU THOÁT/ THẾ PHONG

                    (Nxb Đồng Nai (VN)cấp phép tái bản 1999 — tác giả tự bỏ tiền in ấn;  và,

                         chỉ được phép in phần nói về  HÀN MẶC TỬ.)

                       

                             

                                 

                                             TRUYỆN HOA ĐÀO NĂM NGOÁI / THẾ PHONG   ( bìa 1+ 2 cánh gà trước + sau.)

                                           (Chi nhánh Nxb Thanh Niên phía Nam cấp phép 2007, giao cho Doanh nghiệp tư nhân Th.Ngh. chưa phát hành)

                                 

                                                                    5000 KM XUYÊN VIỆT/ THẾ PHONG

                                                                      (Chi nhánh Nxb Thanh Niên phía Nam cấp phép 2007 ,

                                                             giao cho  Doanh nghiệp tư nhân Th. Ngh.  chưa phát hành.)

                                

                                                                 NIETZSCHE …  + 5000 KM XUYÊN VIỆT/ THẾ PHONG

                                                    (Chi nhánh Nxb Thanh Niên phái Nam cấp phép xuất bản 2007, giao cho

                                                                    Doanh nghiệp tư nhân Th. Ngh.,  chưa phát hành.)

    

                       

                                                             TỔNG LUẬN 60 NĂM VĂN NGHỆ VN 1900-1956  

                                                                          / tập 4 bộ LSVNVN 1900-1956 .

                                           (Chi nhánh Nxb Thanh Niên phía Nam cấp phép tái bản 2007,giao cho

                                                                Doanh nghiệp tư nhân Th.Ngh.,  chưa phát hành.)

                                                                                           (etc…)

                                                                              Criticsm:

                                               –    Two Great Poets of Vietnam :

                                                           HÀN MẶC TỬ & QUÁCH THOẠI .

                                                ( Hàn Mặc Tử & Quách Thoại, nhà thơ siêu thoát ).

                                               – Friedrich Nietzsche .

                                                          ( Nietszche và Chủ nghĩa đi lên con người)

                                               –  Reappraisal of Writer NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

                                                           ( Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh )

                                               –  Awakening in Present day of Polish Literature

                                                  ( Thức giấc trong văn chương hiện đại  Ba Lan )

                                               –    Introduction on Writer  JACQUES PERRY.

                                                     ( Jacques Perry & Thế Nào là Phi Lý ?) 

                                                –  The summing up of ten years of Writing *

                                                (  Mười năm văn nghệ, tôi hứa hẹn điều gỉ ?)

                                                   

                                               – A SHORT  HISTORY OF MODERN

                                                      VIETNAMESE LITERATURE                          

                                                           ( including 4 tomes )

                                                a)    – Prewar Writers ( from 1930-1945)

                                                b)   – Writers in the Resistance Area ( from 1945- 1950)

                                                      – Writers of the South   ( from 1945-1950)

                                                c)   – Postwar Writers  ( from 1950-1956)

                                                d)  –  A Brief Glimpse

                                                         at the Vietnamese Literary Scene : 1900-1956*.

                                                                        etc…

                                                 –   LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM 1900- 1956  ) 

                                                                      gồm 4 tập :

                                                  a)  – Nhà văn tiền chiến 1930-1945

                                                  b)  – Nhà văn kháng chiến chủ lực 1945-1950

                                                        – Nhà văn miền Nam ( 1945- 1950)

                                                  c)  – Nhà văn hậu chiến  ( 1950-1956) 

                                                  d)  – Tổng luận 60 năm văn nghệ Việtnam 1900-1956

                                                                      vv…vv…

                                                                      Translation :

                               –  Maiakovski, Poète Russe  by   Elsa Triolet :

                                   Maiakovski, thi sĩ Nga                                          

                              –   Autobiographie précoce by Y.Yestushenko :      

                                    Hồi ký văn chương viết sớm 

                               –   La petite fée & le jeune pâtre  by   Maxim Gorky :

                                     Khúc bi ca nàng tiên nhỏ

                              –   Viêtnam, la tragédie Indochinoise by  Louis .Roubaud :

                                     VN Bi thảm Đông  Dương .

                              –   La patrie se fait tous les jours  by   Jean Paulhan et

                                     Dominique Aury : Tuyển thơ Kháng chiến 

                                                                                   Pháp: 1939-45 )                                    

                              –  La Cravache  by   Constant Virgil Gheorghiu :

                                   Chiếc roi ngựa  .

             Many words   were  reprinted in TENGGARA, a review of the Dep. of English, University of Malaya , Kuala Lumpur  ( Malaysia)  – LE MONDE DIPLOMATIQUE  ( Paris –  and   We Promise One Another   *  ,  an anthology edited by  DON LUCE    and others.    ( Washington D.C. , USA, 1974).

  ——————————————–

  *  books are available in English .

   ——————————————–

                                                      Special Remarks: 

                  1.- The Phong  has been  widely known in English speaking  countries.

 He has been invited to The International Writing Program by The Iowa School of Letters,

 but  has been unable to attend of obscure reason.   Repeated  efforts of Professor

 Paul Engle, himself an eminent  and writer, the Chairman of the Program,

 has been  all in vain.

         It is a shame a writer who has a lot to contribute  to international forum has been so

 discouraged.   Anyway   his wrting is becoming more and more popular  among serious

 readers of Vietnamese literarure.   Sure he is not the most prolific writer, but he

 has written nothing which could be rated  as a little significance.

   

                  2.-  ” …The Phong  was born  in 1932  at Yên Bái Province   ( North Vietnam ) , 

 and spent  his childhood in the norther most part of Vietnam.   The poems   reprinted

 here ar  taken  from a mimeographed collection of the Vietnamese  poet,

 The Phong : entiled  Vietnam the sky under fire  and flames , 

 published  in Saigon, may 1967.   The collection   was obtained from TENGGARA

 by the young writer,  Bur Rasuanto, who was on a visit there recently.

            Đàm Xuân Cận  , in presenting his English trans lation of The Phong’s poems 

in Vietnam, the sky und  fire and flames  wrote: ” The Phong’s poems are

 particu larly  difficult to translate and  I have no illusion whatever  about  

my command of English.    I   trust that one day a  poet of talent will revise 

this version and do more   jus tice to the origin.”

           Readers are bound to feel that Đàm Xuân Cận  does not himself  justices.”  

            []

                                     ( TENGGARA  , Volume II, no I , 1968).   

                                                  ( from WHO’S WHO IN VIETNAM  – Vietnam Press, Saigon,

                                                                                                South Vietnam, 1974).

                                                                      ——————————–

                                                                               bài đăng lại/ bổ túc hình ảnh)

                                                                              ====================

Được đăng bởi ThePhong ThePhong   vào lúc 15:20    
VIRGIL GHEORGHIU

Shoptinhyeu . vn thuoc115 . com bán các loại thuốc chống xuất tinh sớm, yếu sinh lý, thuốc cường dương tốt nhất thị trường

Thuốc viagra mua ở đâu bán ở đâu giá bao nhiêu rẻ nhất ?
Bạn liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bạn nhé
Nhà phân phối độc quyền
Tại TP HCM : 90/12 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại 0928080808
Đại lý cấp 1 tại Hà Nội, miền Bắc : 243 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại : 0936700000
Đại lý số 2 : 13 B10 mặt phố Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nằm giữa ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Lương Đình Của và Xã Đàn)

website :
shoptinhyeu . vn
thuoc115 . com
giaosutinhyeu . com