Có nên cho cảnh sát đi dọn vệ sinh không

ĐỊNH HƯỚNG BIỂU TRƯNG

Hình ảnh người công an giao thông và cảnh sát cơ động có hẳn sẽ (thực sự) đẹp lên trong mắt người dân nhờ những “công việc” này không?

Khổng Tử thường nói, tất cả mọi sự trong thiên hạ, nhất là trong việc thực hành chính trị, thì điều tiên quyết là sự/tính chính danh. Có nghĩa là, người ta không những chỉ làm đúng với chức phận và vị trí của mình, mà còn phải làm tốt những việc đó.

Ngay cả nhà khoa học Albert Einstein cũng đã nói, mỗi chúng ta đều là một thiên tài, nhưng không thể đo khả năng của một con cá bằng việc leo cây. Điều đó vừa thật ngu ngốc cũng vừa thật là sai lầm, một cách nghiêm trọng, trong tư duy cũng như hành động.

Thế nên, việc của lực lượng công an không phải là dọn dẹp môi trường về sinh học, mà là môi trường trong giao thông và ý thức chấp hành luật pháp của chính họ cũng như của người dân trong xã hội. Điều cần hơn cả ở họ là trọng trách làm cho người dân tuân thủ đúng luật, còn bản thân mỗi người thực thi công vụ đều trở nên là một công chức mẫn cán, liêm chính và hơn hết là đảm bảo luôn là những con người đại diện cho pháp luật một cách công minh.

Như Lão Tử đã nói, thuỷ chế hữu danh, danh diệc ký hữu, nghĩa là, ở một nhà nước, phải phân định rõ vị trí, chức phận và trách nhiệm kèm theo của từng bộ phận trong bộ máy, chỉ có như thế mới đảm bảo được tiếng nói của mình trong xã hội.

Vấn đề tiếp theo trong việc “ra quân” dọn rác trên hè đường của các viên chức cảnh sát này, về mặt truyền thông, họ muốn coi đây là hình ảnh gương mẫu mang tính giáo dục ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng như làm bật lên sự gương mẫu (đạo đức) của người “chiến sỹ cách mạng”.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, và cần dẫn chiếu thêm một câu nói khá nổi tiếng của vị tổng thống lừng danh Abraham Lincoln rằng: “Pháp luật là đạo đức biểu hiện ra bên ngoài. Đạo đức là pháp luật ẩn giấu bên trong”, thì rõ ràng rằng, việc anh làm chỉ có thể đảm bảo nó (sẽ) đạt được tính biểu trưng về mặt đạo đức (chỉ là tối thiếu), trước hết, chính anh phải tuân thủ luật pháp một cách nghiêm ngặt nhất. Và tiếp theo đó, tính giáo dục chỉ có thể đạt được, một khi bản thân anh phải cho thiên hạ thấy rằng, chính anh đã thực sự là một biểu tượng trong chính vị trí được định đặt mà là bổn phận của mình.

Có như thế thì mới mong “danh chính và ngôn thuận”. Bằng không, thì nó chỉ mang hiệu ứng ngược lại cho người tiếp nhận.

Bình luận về bài viết này